MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trước đó, Báo Lao Động đã có nhiều loạt bài điều tra phản ánh việc giáo viên phải vay ngân hàng, mất tiền để học, thi cho đủ chứng chỉ để thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Bộ GDĐT lý giải những băn khoăn về chứng chỉ trong thăng hạng cho giáo viên

Thiên Hà LDO | 27/02/2021 14:39

Dù vui mừng khi Bộ GDĐT đã bỏ các điều kiện về chứng chỉ tin học và ngoại ngữ trong việc bổ nhiệm, thăng hạng cho giáo viên, nhưng hiện nhiều nhà giáo vẫn tâm tư quanh một số điều kiện quy định trong chùm thông tư số 01, 02, 03, 04 về tiêu chuẩn, chức danh giáo viên từ mầm non đến phổ thông mà Bộ GDĐT vừa ban hành.

Băn khoăn của nhiều giáo viên hiện nay là việc phải đi học để lấy chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Bởi nếu không có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp tương ứng khi bổ nhiệm vào các hạng theo các thông tư mới thì có thể bị "tụt hạng".

This browser does not support the video element.

Theo dõi lại toàn cảnh loạt bài điều tra của Báo Lao Động về những bất cập các quy định về chứng chỉ trong bổ nhiệm, thăng hạng chức danh nghề nghiệp của giáo viên nói riêng và cán bộ, công chức, viên chức nói chung.

Về những băn khoăn của giáo viên, đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT) cho biết, quy định về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp khi bổ nhiệm, thăng hạng là quy định chung đối với viên chức của tất cả các ngành, các lĩnh vực, mà không riêng gì ngành giáo dục.

Cụ thể, luật Viên chức 2010 quy định người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó (điểm b khoản 1 điều 31) và viên chức phải thực hiện chế độ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trước khi bổ nhiệm hạng (điểm b khoản 3 điều 33).

Nghị định 101 ngày 1.9.2017 của Chính phủ quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức quy định: Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức là một trong những điều kiện để viên chức được đăng ký dự thi thăng hạng, xét bổ nhiệm vào hạng và được học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề (điểm a khoản 3 điều 26).

Do đó, nội dung quy định giáo viên mầm non, phổ thông công lập cần có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trong các thông tư số 01, 02, 03, 04 ban hành ngày 2.2.2021 của Bộ GDĐT là thực hiện quy định của luật Viên chức và Nghị định 101 của Chính phủ.

Đại diện lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục khẳng định: Muốn bỏ quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên thì cần thiết phải xem xét, sửa các quy định này theo hướng mở rộng quy định tại Luật Viên chức và Nghị định 101 của Chính phủ là có thể sử dụng chứng chỉ của chuyên ngành thay thế.

Chỉ khi sửa Luật Viên chức và Nghị định 101 theo hướng như vậy, thì giáo viên mới có thể sử dụng chứng chỉ, chứng nhận bồi dưỡng chuyên ngành để thay thế cho chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Liên quan đến các vấn đề giáo viên không đáp ứng đủ tiêu chuẩn về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp để bổ nhiệm theo quy định mới, thì có thể bị “tụt hạng”, đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết, hiện Bộ GDĐT đang triển khai xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện các thông tư trên và sẽ hướng dẫn cụ thể hơn về trường hợp như trên để bảo đảm quyền lợi của giáo viên theo quy định.

Chắc chắn bỏ 2 loại chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cho giáo viên

Một trong những điểm mới tại các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập là bỏ quy định về trình độ ngoại ngữ, tin học, trình độ ngoại ngữ thứ 2 đối với giáo viên dạy ngoại ngữ, chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng.

Yêu cầu về năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc được đưa vào tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên các hạng.

Nếu giáo viên phải có năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc để đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên các hạng.

Từ 20.3.2021 khi chùm thông tư trên có hiệu lực, khi thăng hạng, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, giáo viên sẽ không phải nộp kèm thêm các chứng chỉ tin học, ngoại ngữ như trước.

Đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục khẳng định, các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT là căn cứ để thực hiện việc tuyển dụng giáo viên. Như vậy, khi các Thông tư này có hiệu lực thi hành, việc tuyển dụng giáo viên phải căn cứ vào các tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp quy định tại các Thông tư và sẽ không quy định người đăng ký dự tuyển phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn