MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) Mai Văn Trinh.

Bộ GDĐT nói về độ khó của đề thi tốt nghiệp THPT năm 2020

Đặng Chung - Thiều Trang LDO | 08/08/2020 12:48
Bắt đầu từ chiều 8.8, gần 900.000 thí sinh trên cả nước sẽ bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (trừ Đà Nẵng và một số khu vực của các địa phương đang có diễn biến dịch COVID-19 phức tạp). Trước khi kỳ thi diễn ra, PGS-TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT), Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 – có những lưu ý với thí sinh và các địa phương.

Những nơi an toàn, học sinh sẽ tham dự kỳ thi trước

Thưa ông, đến nay công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được triển khai thực hiện như thế nào?

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 diễn ra trong thời điểm dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, thực hiện theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, quy định của Bộ GDĐT, các địa phương và ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT tại các tỉnh đã nỗ lực chuẩn bị tốt. Cho đến nay, tất cả các tỉnh, thành phố (kể cả Đà Nẵng dù chưa tổ chức thi đợt này) đã hoàn tất khâu chuẩn bị, rất sẵn sàng cho công tác thi. Tôi đánh giá cao nỗ lực của tất cả các địa phương.

Kỳ thi diễn ra trong bối cảnh vô cùng đặc biệt, vậy công tác phòng chống dịch đã được lên kế hoạch như thế nào để đảm bảo an toàn cho thí sinh, thưa ông?

- Trước đó, khi dịch COVID chưa bùng phát trở lại, Bộ GDĐT đã chỉ đạo các địa phương phải có phương án dự phòng. Đồng thời chủ động xây dựng phương án ứng phó với dịch bệnh kịp thời.

Cho đến nay, khi dịch bệnh bùng phát trở lại, Bộ GDĐT đã phối hợp với Bộ Y tế bám sát các chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID và dựa vào tình hình cụ thể của từng địa phương để ra các văn bản rất cụ thể cho việc tổ chức kỳ thi.

Theo nguyên tắc, kỳ thi vẫn diễn ra bình thường nhưng phải đảm bảo an toàn. Những nơi an toàn, học sinh sẽ tham dự kỳ thi, còn lại có thí sinh thuộc diện F1, F2 sẽ thi vào đợt thi bổ sung.

Để kỳ thi diễn ra an toàn, Bộ GDĐT cũng đưa ra các khuyến cáo:

Đầu tiên, các địa phương phải tiến hành khử khuẩn trước và trong quá trình thi.

Thứ hai, ở mỗi điểm thi cần có bộ phận y tế thường trực bao gồm các cán bộ chuyên môn, các phòng y tế có trang thiết bị cơ bản nhất để tiếp nhận các trường hợp xấu xảy ra.

Thứ ba, phải có phòng thi dự phòng để chủ động ứng phó các trường hợp thí sinh có biểu hiện nhiễm bệnh.

Trong tình hình dịch COVID – 19 diễn biến phức tạp như hiện nay, chúng tôi khuyến cáo các địa phương xem xét điều kiện thực tiễn để đưa ra các biện pháp tốt nhất, vừa bảo đảm an toàn cho thí sinh, vừa phòng ngừa các gian lận về những thiết bị công nghệ cao.

Một số biện pháp có thể thực hiện như: Trang bị đồng loạt khẩu trang y tế cho các thí sinh. Nếu không đủ điều kiện, địa phương có thể chuẩn bị sẵn khẩu trang y tế dành cho các thí sinh mang khẩu trang bất thường, nghi vấn.

An toàn là mục tiêu hàng đầu

Bộ GDĐT có hướng dẫn gì cho các địa phương trong công tác đảm bảo giãn cách xã hội trước và sau buổi thi?

- Trước hết, các địa phương cần tuân thủ theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID – 19, Ban chỉ đạo cấp tỉnh và Bộ Y tế. Bên cạnh đó, trong các phòng thi nên cố gắng thực hiện giãn cách tối đa cho 24 thí sinh, đảm bảo độ thông thoáng và an toàn cho thí sinh khi tham gia kỳ thi.

An toàn trong phòng chống dịch COVID– 19 và an toàn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là mục tiêu hàng đầu.

Nếu xảy ra trường hợp xấu như tại điểm thi có thi sinh nghi nhiễm COVID-19 thì sẽ có biện pháp xử lý như thế nào, thưa ông?

- Khi xuất hiện trường hợp thí sinh sốt, ho, cán bộ phải báo ngay cho bộ phận Y tế và chuyển các em xuống thi tại phòng thi dự phòng. Việc tổ chức thi phải đảm bảo an toàn và đúng quy chế. Dù trong hoàn cảnh nào, cũng không để ảnh hưởng đến quy chế và sự an toàn trong kỳ thi quan trọng này.

Đề thi hai đợt sẽ có độ khó như nhau

Với những thí sinh dự thi sau, Bộ sẽ có phương án nào để đảm bảo sự an toàn và công bằng cho các thí sinh?

- Các em có quyền chăm sóc sức khỏe, có quyền được thi trong điều kiện an toàn nhất khi đã ổn định tâm lý và sức khỏe.

Vì vậy, thí sinh thi sau vẫn được sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Do đó việc tổ chức thi lần sau dù vất vả hơn cho các thầy cô giáo, các địa phương, nhưng chúng ta vẫn quyết tâm thực hiện để đảm bảo được quyền lợi cho các em.

Vậy đề thi cho 2 đợt được xây dựng như thế nào để đảm bảo được tiêu chí công bằng, thưa ông?

- Bộ GDĐT có cấu trúc đề thể hiện qua ma trận đề thi và xuất phát từ ngân hàng phong phú, các câu hỏi được xây dựng theo hướng chuẩn hóa. Trên cấu trúc đề thi như vậy, sẽ xây dựng được đề thi đáp ứng theo nhu cầu của kỳ thi.

Xuất phát từ cấu trúc đề thi ổn định, câu hỏi nằm trong ngân hàng có sẵn và bằng các giải pháp kỹ thuật, Bộ GDĐT sẽ xây dựng được đề thi có độ khó tương đồng ở cả 2 đợt thi, tạo sự công bằng cho tất cả các thí sinh.

Ông có lời nhắn gì dành cho học sinh và cán bộ, giáo viên để đảm bảo an toàn, trước khi kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra?

- Các cán bộ, giáo viên, học sinh tham gia đợt thi này hãy thật sự nghiêm túc, thực hiện đầy đủ các hướng dẫn của Bộ Y tế trong việc phòng chống dịch COVID-19.

Đối với cán bộ, giáo viên, yêu cầu các thầy cô hãy rà soát và nắm vững lại quy chế thi và trách nhiệm trong vị trí mình được phân công, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ.

Đối với các học sinh, các em yên tâm là hệ thống chính trị và cả xã hội đã và đang đồng loạt vào cuộc tổ chức một kỳ thi có môi trường an toàn nhất dành cho các em. Các em hãy bình tĩnh, tự tin, thi nghiêm túc và đạt kết quả tốt nhất.

- Cảm ơn ông đã chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn