MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kỳ thi THPT quốc gia 2020 sẽ được Bộ GDĐT tổ chức từ ngày 8-11.8. Ảnh: Hải Nguyễn

Bộ GDĐT nói về xu hướng ra đề thi THPT quốc gia 2020

Đặng Chung LDO | 25/03/2020 15:40
Đề thi THPT quốc gia 2020 sẽ xây dựng dựa trên chương trình giảm tải do học sinh phải nghỉ học dài ngày. Đây là thông tin được Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định tại hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vào ngày 25.3.

Cần sớm công bố đề thi tham khảo 

Diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19 khiến các địa phương đến thời điểm này vẫn phải tiếp tục cho học sinh từ mầm non đến trung học cơ sở nghỉ học, chưa có công bố về ngày trở lại trường.

Với học sinh THPT, vì liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia, nên các địa phương đã cho học sinh lớp 12 trở lại trường từ 2.3.

Tuy nhiên do tình hình dịch bệnh khó lường, giám đốc các sở giáo dục và đào tạo đã rất vất vả trong việc tham mưu với ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trong việc có nên cho học sinh THPT nghỉ học. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến ngày 25.3, chỉ còn 24 tỉnh, thành phố tiếp tục cho học sinh phổ thông, hoặc học sinh lớp 12 đi học.

Cùng tham dự kỳ thi THPT quốc gia, nhưng có nơi học sinh đi học và được ôn tập tại trường, nơi lại phải nghỉ để phòng dịch. Điều này gây ra tâm lý lo lắng cho học sinh trong việc chuẩn bị kiến thức để có thể bước vào kỳ thi THPT quốc gia diễn ra vào tháng 8 tới.

Vấn đề này cũng được nhiều đại biểu đặt ra tại hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 25.3.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh, với học sinh từ lớp 1-11 còn có thời gian rà soát chương trình, bổ sung kiến thức vào năm học sau. Còn học sinh lớp 12 thì không còn nhiều thời gian, vì sẽ phải tham dự kỳ thi THPT quốc gia.

Trong khi chỉ còn 4 tháng nữa kỳ thi sẽ diễn ra, mà nhiều nơi học sinh tiếp tục phải nghỉ học dài ngày, gây nên tâm lý căng thẳng trong việc ôn thi.

Bà Lê Thị Bích Thuận - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng kiến nghị Bộ GDĐT cần rà soát và sớm công bố chương trình giảm tải với các lớp 10, 11, 12 để đảm bảo thống nhất trên cả nước.  Việc này cần thực hiện càng sớm càng tốt để ổn định tâm lý học sinh, vì nội dung kiến thức cấp học này liên quan trực tiếp tới đề thi THPT quốc gia.

Đề thi THPT quốc gia được xây dựng theo chương trình đã tinh giản

Về những băn khoăn trên, thông tin tại hội nghị trực tuyến, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, trong tháng 3 này, Bộ sẽ ban hành công văn hướng dẫn cụ thể việc tinh giản chương trình để các nhà trường, giáo viên được biết và triển khai tổ chức dạy học.

Việc kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học cũng sẽ được điều chỉnh phù hợp theo chương trình đã được tinh giản.

Sau đó, căn cứ vào chương trình đã tinh giản, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố đề thi tham khảo, xây dựng ma trận đề thi THPT quốc gia 2020, trên tinh thần không thể kiểm tra, thi những nội dung đã tinh giản rồi.

Ông Thành cho biết, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập các tiểu ban và đang khẩn trương thực hiện tinh giản chương trình. Mục tiêu là giảm được từ 5-7 tuần so với chương trình hiện nay để đến 15.7 là kết thúc năm học.

Tuy nhiên, việc tinh giản sẽ không thực hiện cơ học và phải đảm bảo cung cấp đầy đủ kiến thức nền tảng, cốt lõi của chương trình cho học sinh, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 vẫn có 5 môn thi, bài thi, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội. Trong số này, chỉ có môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại vẫn thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.

Phần lớn các câu hỏi trong đề thi là kiến thức cơ bản, chủ yếu là nội dung chương trình lớp 12. Các câu hỏi trong mỗi đề thi của hầu hết các môn đều được sắp xếp theo nhóm về độ khó và được sắp xếp lần lượt từ dễ đến khó để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh làm bài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn