MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Toàn ngành giáo dục, lực lượng công an, quân đội và thanh niên tình nguyện, người dân địa phương đang chung tay dọn dẹp trường học chuẩn bị cho khai giảng. Ảnh: HUYÊN NGUYỄN

Bộ GĐĐT: Phải đảm bảo an toàn cho thầy cô và học sinh trước thềm năm học mới

NGUYỄN HUYÊN - NGUYỄN HÀ LDO | 04/09/2018 16:04

Trường học bị vùi lấp sâu trong bùn đất hoặc đổ sập; bàn ghế, sách vở, trang thiết bị học tập, lương thực, thực phẩm đều đã bị lũ cuốn trôi; nhiều địa phương giao thông chia cắt, cô lập, phụ huynh học sinh đang hối hả, lo nơi ăn, chốn ở cuộc sống hiện tại… là những khó khăn mà không ngôn từ, hình ảnh nào miêu tả hết của thầy và trò vùng lũ Sơn La, Thanh Hoá, Điện Biên, Lai Châu… và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long trước thềm năm học mới.

Nhiều nơi vẫn còn ngổn ngang

Chỉ còn 1 ngày nữa, năm học mới 2018-2019 sẽ chính thức bắt đầu, tuy nhiên ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, trường, lớp nhiều nơi đã bị cơn lũ dữ san phẳng. Có mặt những ngày này ở huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, mới thấy được không khí dọn dẹp của thầy cô giáo, học sinh cũng như các cấp chính quyền đang hối hả, tất bật chuẩn bị cho năm học mới.

Toàn ngành Giáo dục, lực lượng Công an, Quân đội và thanh niên tình nguyện, người dân địa phương đang chung tay dọn dẹp đống bùn đất khổng lồ “bủa vây” toàn bộ sân trường. Sau khi nước lũ rút, bùn đất vẫn ngập sân trường, có nơi bùn dày gần 1m, khiến các lực lượng chức năng phải huy động máy xúc làm việc liên tục.

Ông Nguyễn Trung Huấn - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Nà Ớt (Mai Sơn, Sơn La) - cho biết: Vào chiều 28.8, khi học sinh cả trường đang chuẩn bị ăn cơm chiều thì lũ ập về. Do quá bất ngờ, giáo viên chỉ kịp gọi, đưa học sinh lên tầng hai của trường để tránh lũ.

Toàn bộ trang thiết bị dạy và học, sách vở, đồ dùng nội trú; 1,4 tấn gạo được cấp cho học sinh trong năm học mới đều bị lũ cuốn trôi hoặc làm hư hại nặng nề. Có những thời điểm nước ngập sâu đến hơn 3m. Tổng thiệt hại ước tính hơn 2 tỉ đồng.

Nhiều trang thiết bị dạy và học bị hư hỏng nặng nề sau trận lũ.

Dồn toàn lực cho công tác khắc phục thiên tai

Trước khó khăn do thiên tai gây ra, Hoàng Tiến Đức - Giám đốc Sở GDĐT Sơn La - cho biết: Ngày 2.9, một số điểm trường bị cô lập trước đó, các lực lượng chức năng đã phải đi bộ vào để tìm biện pháp hỗ trợ. Chúng tôi đang khẩn trương dọn dẹp, khắc phục hậu quả thiên tai chuẩn bị cho năm học mới, quyết tâm khai giảng đúng ngày 5.9, không để có trường nào không thể vào học hay không khai giảng kịp.

Ngay sau khi xảy ra thiên tai, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã đến thăm một số điểm trường, chia sẻ những khó khăn của thầy và trò những trường bị ảnh hưởng do trận lũ.

Bộ trưởng đề nghị, động viên chính quyền địa phương và nhà trường, các thầy cô giáo dù khó khăn đến mấy cũng cố gắng đảm bảo các điều kiện dạy và học, nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định cho năm học mới, đặc biệt là đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên. Bộ trưởng lưu ý công tác vệ sinh trường học, đề phòng dịch bệnh sau lũ, nhất là phải phòng, tránh dịch bệnh sau lũ cho học sinh.

Không nên “khiên cưỡng”, “máy móc” trong lễ khai giảng

Trao đổi với Lao Động về việc cần tổ chức Lễ khai giảng năm học mới sao cho thiết thực, ý nghĩa, tránh tổ chức hình thức, PGS-TS Bùi Thị An - ĐBQH khoá XIII - bày tỏ: “Các địa phương vùng núi đang bị thiệt hại rất nặng nề do thiên tai, có những vùng thậm chí vẫn còn đang bị cô lập.

Tuỳ từng hoàn cảnh của từng địa phương, nhất là các địa phương đang bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, theo tôi đề nghị không nhất thiết phải tổ chức khai giảng đúng ngày 5.9. Chúng ta không nên quá nặng nề, khiên cưỡng về ngày này.

Khai giảng là cho học sinh, ít nhất học sinh phải có mặt đầy đủ, có điều kiện tối thiểu để học tập, vì thế, các địa phương khó khăn cần linh động, linh hoạt để vừa đảm bảo mục tiêu học tập và đảm bảo an toàn tính mạng, điều kiện dạy, học của thầy và trò”.

Theo bà An, yêu cầu và mục tiêu để có một lễ khai giảng ý nghĩa là giúp học sinh vui vẻ, hồ hởi bước vào, nắm được thông điệp cốt yếu, nhiệm vụ chủ yếu của các em trong năm học, thông điệp của nhà trường. Để có một lễ khai giảng thật sự vui vẻ và ý nghĩa, phụ thuộc rất nhiều vào trình độ của người tổ chức, quan điểm của lãnh đạo nhà trường. HUYÊN NGUYỄN (ghi)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn