MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ Nội vụ đã có đề xuất bỏ quy định thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, chỉ giữ hình thức xét thăng hạng nhằm giảm gánh nặng thi cử. Ảnh: Hải Nguyễn

Bộ GDĐT phản hồi kiến nghị bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp

Bích Hà LDO | 04/08/2023 20:15

Hơn 2.000 giáo viên tại Hà Nội đã gửi tâm thư lên các cấp với mong muốn bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Ngày 4.8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có phản hồi về vấn đề này.

Giáo viên kiến nghị nên bỏ thi thăng hạng

Thầy Nguyễn Văn Đường, giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A (Hà Nội), đã đại diện 2.483 giáo viên các cấp tại Hà Nội gửi tâm thư đến Chủ tịch UBND TP.Hà Nội và giám đốc các sở GDĐT, Nội vụ, về vấn đề thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Trong thư, các thầy cô giáo mong muốn TP.Hà Nội áp dụng xét duyệt thăng hạng cho các giáo viên đủ tiêu chuẩn thay vì tổ chức thi tuyển.

Lý do đưa ra đề xuất này, theo các giáo viên, thăng hạng chức danh nghề nghiệp là một sự đãi ngộ, ghi nhận và khuyến khích về những thành tích, cống hiến của giáo viên. Nhưng việc thực hiện còn chưa đồng bộ giữa các địa phương, trong khi tỉnh này tổ chức xét, tỉnh khác lại phải thi, gây ra nhiều bất công.

Nếu tổ chức thi thăng hạng cho giáo viên các cấp sẽ gây tốn kém và lãng phí về kinh phí vì tổ chức thi có cả hàng nghìn giáo viên dự thi, khi đó sẽ tốn nhiều kinh phí cho giám thị coi thi và giám khảo chấm thi một lượng kinh phí rất lớn.

Tiếp đó, việc tổ chức thi giáo viên sẽ phải ôn thi theo tìm hiểu của tôi thì tổ chức nhiều bài thi như Luật Giáo dục; Luật Viên chức, công chức; thi ngoại ngữ; thi chuyên môn. Nếu như vậy thì giáo viên sẽ vô cùng vất vả trong khi hàng ngày giáo viên vẫn phải lên lớp, tối về phải nghiên cứu bài soạn để bài giảng có chất lượng nâng cao hiệu quả giáo dục và còn nhiều công việc khác như việc gia đình, việc nhà trường...

Đề xuất bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp là có căn cứ

Giải đáp về các băn khoăn, kiến nghị của giáo viên liên quan đến các quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, đại diện Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GDĐT khẳng định, các quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức các ngành/lĩnh vực thực hiện theo quy định chung của Quốc hội tại Luật Viên chức 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Đồng thời, thực hiện theo hướng dẫn chi tiết của Chính phủ tại Nghị định số 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

Theo đó, việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp được thực hiện thông qua hình thức thi và xét (khoản 2 Điều 31 Luật Viên chức 2010 và khoản 2 Điều 29 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP).

Việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp bằng hình thức thi hay xét tại địa phương là theo lựa chọn của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

Bộ GDĐT chi biết không có thẩm quyền bỏ quy định thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên và cũng không có thẩm quyền đề nghị địa phương thực hiện thống nhất theo một hình thức là xét thăng hạng.

Tuy nhiên, đề xuất của giáo viên về việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp là có căn cứ. Bộ GDĐT nhận được văn bản gửi xin ý kiến từ Bộ Nội vụ về việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh trong dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, Bộ GDĐT đã có văn bản trả lời nhất trí với nội dung này. Hiện Bộ Nội vụ đang tham mưu Chính phủ bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Bộ GDĐT đề nghị địa phương căn cứ tình hình thực tiễn cân nhắc, lựa chọn hình thức phù hợp để tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ và bảo đảm xác định được những giáo viên thực sự xứng đáng để thăng hạng chức danh nghề nghiệp trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn