MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý về sách giáo khoa. Ảnh: Đình Nam

Bộ GDĐT sẽ mở thêm các kênh góp ý, phản biện sách giáo khoa

Bích Hà LDO | 13/10/2020 11:35
Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định sẽ yêu cầu các tác giả, Hội đồng Thẩm định sách giáo khoa (SGK) quốc gia rà soát, giải trình, tiếp thu, hoàn thiện để chất lượng sách ngày càng tốt hơn. Đồng thời, Bộ GDĐT sẽ thêm các kênh góp ý, phản biện nội dung các bộ SGK mới ngay từ khi nhóm tác giả, nhà xuất bản đề xuất bản thảo thẩm định.

Sẽ cầu thị, tiếp thu, có hướng xử lý phù hợp

Những ngày qua, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về chương trình, SGK lớp 1. Trong đó, không ít ý kiến cho rằng chương trình nặng, quá tải với học sinh lớp 1; SGK có nhiều từ khó, nhiều sạn.

Trước những ý kiến của dư luận, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Hội đồng thẩm định SGK quốc gia, với 1/3 thành viên là giáo viên đang dạy học trực tiếp đã thẩm định 5 bộ SGK lớp 1, sau đó chuyển lên Bộ trưởng phê duyệt. Nhiều lỗi trong bản thảo SGK đã được yêu cầu chỉnh sửa, hoàn thiện. Hầu hết địa phương chọn ít nhất 3 bộ SGK trở lên, trong đó 36 tỉnh chọn cả 5 bộ.

"Quá trình lựa chọn, phê duyệt từng bộ SGK lớp 1 theo chương trình mới rất công phu, nhưng không thể tránh khỏi có những sai sót, bởi thực tế đã có nhiều cuốn SGK dù được tái bản nhiều lần vẫn còn sạn" - ông Độ nói.

Lãnh đạo Bộ GDĐT đã giao các đơn vị trao đổi với tác giả, Hội đồng thẩm định SGK quốc gia xem xét trên tinh thần cầu thị, có hướng xử lý phù hợp trước những góp ý của phụ huynh.

SGK tiếng Việt mới đang nhận được sự quan tâm của dư luận.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định sẽ yêu cầu các tác giả, Hội đồng Thẩm định SGK quốc gia rà soát, giải trình, tiếp thu, hoàn thiện để chất lượng SGK ngày càng tốt hơn.

Đặc biệt tới đây, Bộ GDĐT sẽ mở rộng thêm các kênh góp ý, phản biện nội dung các bộ SGK mới ngay từ khi nhóm tác giả, nhà xuất bản đề xuất bản thảo thẩm định.

Lưu ý khâu tập huấn giáo viên

Nêu quan điểm về câu chuyện SGK, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội - cho rằng đã là đổi mới thì phải có cái mới và nhiệm vụ của Bộ GDĐT là phải có giải thích cặn kẽ, thuyết phục, còn những “hạt sạn” thì chúng ta phải “nhặt”, để tiếp tục hoàn thiện.

Ông cũng cho biết, khi tiếp xúc với giáo viên trực tiếp dạy lớp 1, nếu giáo viên đã được tập huấn kỹ thì đều thấy chương trình rất tốt. Còn đối với những người chưa được tập huấn kỹ thì còn lúng túng.

Tương tự với phụ huynh, nếu chưa được giải thích, tiếp cận, nắm rõ chương trình, thì cũng sẽ thấy khó khăn trong việc kèm cặp, dạy con ở nhà. Ông cho rằng Bộ GDĐT cũng phải tập huấn rất kỹ cho giáo viên để hướng dẫn, trao đổi lại cho các bậc phụ huynh.

Phó Thủ tướng: 'Tiếp thu cầu thị góp ý sách giáo khoa lớp 1'

Trước đó, chiều 12.10, trong cuộc họp với lãnh đạo Bộ GDĐT về việc xử lý các ý kiến góp ý cho nội dung sách giáo khoa (SGK) tiếng Việt lớp 1 theo chương trình mới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GDĐT trân trọng, nghiên cứu, tiếp thu một cách cầu thị, khoa học những góp ý về sách giáo khoa lớp 1 mới.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các vấn đề về giáo dục luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của mọi người dân. Vì vậy, nhiều ý kiến góp ý về một cuốn SGK mới, được biên soạn theo chương trình mới, theo phương thức xã hội hóa là điều bình thường, hoàn toàn dễ hiểu.

Các ý kiến, dù gay gắt, đều thể hiện sự tâm huyết, lo lắng và mong muốn có được những cuốn SGK tốt nhất. Bộ GDTĐT phải trân trọng, nghiên cứu, tiếp thu một cách rất cầu thị, khoa học. Có vấn đề thuộc chuyên môn sâu, ý kiến góp ý chưa chắc đã đúng, thì Bộ phải có sự giải thích, trình bày lại một cách thuyết phục.

Mặt khác, Bộ GDĐT cần xem xét tăng cường, điều chỉnh, bổ sung, nếu cần thiết, tất cả các quy trình về biên soạn, thẩm định, phê duyệt, tập huấn SGK mới cho giáo viên trong những năm tới.

Ví dụ, đối với bản thảo một cuốn SGK khi mới nộp cho Hội đồng Thẩm định SGK quốc gia thì đưa lên mạng và kêu gọi giáo viên, các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, cộng đồng, trong đó có các phụ huynh, cùng góp ý, “nhặt sạn” ngay từ đầu sẽ tạo thuận lợi hơn cho nhà xuất bản, Hội đồng Thẩm định SGK quốc gia.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn