MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Toàn cảnh buổi trao đổi giữa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ GDĐT và các chuyên gia. Ảnh: VGP/Đình Nam

Bộ GDĐT tiếp thu và chịu trách nhiệm về khuyết điểm trong thi THPT quốc gia

Đặng Chung LDO | 01/08/2018 09:40

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phùng Xuân Nhạ đã tiếp thu ý kiến phân tích của các chuyên gia về những bất cập, thiếu sót, hạn chế trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 và xin chịu trách nhiệm về những khuyết điểm này. 

Theo Cổng thông tin Điện tử Chính phủ, nhiều ý kiến, đóng góp tâm huyết về kỳ thi THPT quốc gia đã được đưa ra trong cuộc gặp gỡ diễn ra vào cuối tháng 7.2018 giữa các chuyên gia giáo dục, hiệu trưởng một số trường đại học, trung học phổ thông và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo Bộ GDĐT.

Tranh luận giữ hay bỏ kỳ thi tốt nghiệp

Tại buổi gặp gỡ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các chuyên gia phát biểu thẳng thắn, cởi mở, chỉ rõ về ưu, nhược điểm, những vấn đề cần khắc phục sau kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Theo TS Lê Thống Nhất, kỳ thi năm nay đã bộc lộ yếu kém ở năng lực ra đề. Cụ thể như đề toán quá khó, giống đề thi đại học hơn là một đề thi tốt nghiệp nhằm đánh giá kiến thức của số đông học sinh. 

Phân tích về các vụ việc gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La, nhiều chuyên gia cũng chỉ rõ sơ hở nằm ở quy chế, quy trình kỹ thuật, giám sát; phần mềm chấm thi có lỗ hổng nên có thể can thiệp, thay đổi điểm thi.

Tuy nhiên, đánh giá một cách toàn diện, các chuyên gia chung nhận định không thể phủ nhận từ năm 2015 đến nay, kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức theo hướng ngày càng giảm áp lực thi cử đối với học sinh, xã hội, giảm bớt tình trạng dạy và học lệch. Vì thế không nên vì những bất cập, thiếu sót xảy ra trong kỳ thi năm nay mà bỏ đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp.

Nhiều chuyên gia giáo dục trao đổi thẳng thắn về bất cập, hạn chế của kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Ảnh: TS Lê Trường Tùng 

Tại buổi trao đổi, GS-TS Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh, kỳ thi tốt nghiệp không chỉ thực hiện theo Luật Giáo dục mà là thước đo để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông. Nếu bỏ kỳ thi thì với “bệnh thành tích, cục bộ” hiện nay học sinh dù không cố gắng học cũng vẫn có điểm, học bạ đẹp để tốt nghiệp, trình độ mặt bằng giáo dục chung trong cả nước sẽ không thống nhất. 

Bên cạnh đó, không thể tổ chức kỳ thi quốc gia tuyển sinh ĐH, CĐ vì trái Luật Giáo dục đại học, vi phạm quyền tự chủ của trường ĐH có trong tuyển sinh.

Cuối cùng, các chuyên gia thống nhất cần tiếp tục giữ ổn định kỳ thi THPT, nhưng bỏ cách gọi “kỳ thi 2 trong 1” và phải xác định rõ đây là kỳ thi để xét tốt nghiệp, còn sử dụng kết quả này làm căn cứ tuyển sinh hay không là quyền của các trường ĐH.

Tiếp thu khâu ra đề, sửa đổi quy chế thi

Cũng tại buổi trao đổi, các chuyên gia kiến nghị Bộ GDĐT tiếp tục nâng cao chất lượng ra đề thi, mở rộng ngân hàng câu hỏi... Yêu cầu là đề thi ổn định, đạt ngưỡng/chuẩn, đánh giá được đúng kiến thức, năng lực của số đông học sinh để xét tốt nghiệp.

Ngoài ra, Bộ GDĐT cần sửa đổi quy chế thi để cán bộ "không dám, không thể tiêu cực".

Các khâu từ coi thi, thu bài thi, niêm phong bài thi, quét ảnh bài thi phải xác định rõ trách nhiệm của cán bộ, giáo viên của địa phương và của trường đại học để nếu có vi phạm tất cả phải cùng chịu trách nhiệm và bị xử lý nghiêm. Các chuyên gia cũng đề nghị kỳ thi năm sau cần chấm thi tập trung, theo cụm không chấm ở địa phương, giám sát trực tiếp, ứng dụng công nghệ thông tin để hạn chế tối đa tác động của con người.

Về những đề xuất này, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã tiếp thu ý kiến phân tích của các chuyên gia. Bộ GDĐT chịu trách nhiệm về những khuyết điểm này và sẽ tiếp thu, sửa đổi, hoàn thiện. Ngoài ra, Bộ GDĐT sẽ sớm công bố đề án đổi mới kỳ thi THPT có lộ trình, thời gian cụ thể và đích đến cuối cùng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn