MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Năm học 2023 - 2024, học sinh lớp 4,8,11 sử dụng SGK mới. Ảnh: Vân Trang

Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn thêm 1 bộ sách giáo khoa là không cần thiết, khó khả thi

Tường Vân LDO | 03/11/2023 06:24

Theo nhiều ý kiến, đề xuất để Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa (SGK) ở thời điểm này là không cần thiết, gây lãng phí.

Bộ GDĐT biên soạn thêm 1 bộ SGK gây lãng phí

Một trong những điểm đổi mới quan trọng tại Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội là chủ trương "Một chương trình, nhiều sách giáo khoa". Việc này nhằm huy động nguồn lực xã hội, góp phần nâng cao chất lượng SGK, chống độc quyền trong lĩnh vực này và phù hợp với xu hướng quốc tế. Điều này cũng phù hợp với định hướng xây dựng nền giáo dục mở, “đa dạng hoá tài liệu học tập” của Nghị quyết 29 về chính sách đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Thực hiện các chủ trương quan trọng này, những năm qua đều có 3 bộ SGK được phê duyệt, lựa chọn sử dụng trong các nhà trường. Chủ trương xã hội hóa khâu biên soạn, phát hành SGK đã góp phần tiết kiệm ngân sách Nhà nước. Vì vậy, theo các giáo viên, việc Bộ GDĐT biên soạn thêm 1 bộ sách là không cần thiết, gây lãng phí.

Thầy Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp (Hà Nội) đánh giá, chủ trương 1 chương trình, nhiều bộ SGK là đúng đắn. 3 bộ SGK hiện tại, theo đánh giá của thầy cô, cơ bản thuận lợi, phù hợp và đáp ứng tốt nhu cầu giảng dạy, học tập.

Trong bối cảnh Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai năm thứ ba, ở cả 3 cấp, đề xuất này khó khả thi và dễ làm mất đi chủ trương xã hội hoá SGK.

"Bản thân tôi và các thầy cô giáo trong trường nhận thấy, không cần thiết phải biên soạn thêm 1 bộ SGK nữa, vì các bộ sách hiện nay khá phù hợp với nhà trường. Nếu Bộ GDĐT biên soạn thêm 1 bộ SGK, theo phản xạ tự nhiên, các trường sẽ lựa chọn bộ sách đó. Điều này sẽ xoá bỏ chủ trương xã hội hoá SGK" - thầy Tùng nói và cho rằng, nếu Bộ GDĐT phải biên soạn thêm 1 bộ SGK chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong việc lựa chọn các chủ biên.

Bởi hiện nay, hầu hết những "nhân tài" giáo dục đã tham gia biên soạn các bộ sách giáo dục hiện hành.

Chiều 31.10, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội, vấn đề liệu Bộ GDĐT có nên biên soạn một bộ SGK hay không lại được đưa ra tranh luận sôi nổi.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) bày tỏ quan điểm không tán thành về việc giao Bộ GDĐT biên soạn một bộ SGK theo Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình SGK.

Ông Thanh cho rằng, việc này cũng không phù hợp với thực tế, chủ trương xã hội hoá việc biên soạn SGK đã đạt những kết quả và đang diễn ra thuận lợi. Đồng thời, dễ dẫn đến triệt tiêu xã hội hoá, quay lại tình trạng độc quyền, trái với chủ trương khuyến khích xã hội hoá và đi ngược lại xu hướng quốc tế.

“Tôi tin rằng, nếu Đoàn giám sát có đầy đủ thông tin về chính sách SGK của các nước trên thế giới thì có thể đã không nêu lên kiến nghị này” - ông Thanh nói.

Cần rà soát, khắc phục những hạn chế

Thay vì lãng phí ngân sách biên soạn thêm 1 bộ SGK, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp (Hà Nội) cho rằng, điều quan trọng lúc này là tập trung xem xét, rà soát và đánh giá hiệu quả thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

"Sau khi Chương trình mới áp dụng đồng bộ ở các bậc học, Bộ GDĐT cần rà soát lại toàn bộ SGK, chương trình mới. Từ đó, đánh giá lại hiệu quả của việc thực hiện, chỗ nào chưa phù hợp, cần chính sửa để phù hợp với điều kiện dạy học" - thầy Nguyễn Quang Tùng kiến nghị.

PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình GDPT môn Ngữ văn 2018 cũng cho rằng, sau hơn 3 năm triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, việc Bộ GDĐT biên soạn thêm 1 bộ SGK hoàn toàn không cần thiết, không khả thi và làm phức tạp thêm tình hình.

"Thay vào đó, Bộ GDĐT nên tập trung xem xét, điều chỉnh và tổ chức tốt việc triển khai các bộ sách sao cho đúng hướng, đặc biệt cần chỉ đạo việc đổi mới cách dạy và đánh giá, thi cử trong những năm tới sao cho hợp lí và có hiệu quả" - ông Thống nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn