MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Năm học 2023 - 2024, học sinh lớp 4,8,11 sẽ sử dụng sách giáo khoa mới. Ảnh: Vân Trang

Bộ Giáo dục và Đào tạo có cần thiết phải biên soạn 1 bộ sách giáo khoa?

Nguyễn văn lực, Trường Thcs Trịnh phong, Khánh hòa LDO | 03/08/2023 07:17

Sau 3 năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới với chủ trương 1 chương trình, nhiều bộ sách, lại xuất hiện đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) biên soạn 1 bộ sách giáo khoa.

Đề xuất Bộ GDĐT biên soạn thêm 1 bộ sách - dễ quay lại độc quyền sách giáo khoa

Vấn đề trên được nêu tại Hội nghị góp ý kiến về triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông 2018 tổ chức ngày 2.8.

Điều đáng nói, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đi được hơn nửa chặng đường và hiện nay cũng có nhiều bộ sách giáo khoa đã được đưa vào sử dụng.

Các bộ sách do các cá nhân, chuyên gia, tổ chức, biên soạn phối hợp cùng các nhà xuất bản và được Bộ GDĐT thẩm định, phê duyệt để các địa phương lựa chọn sách giáo khoa giảng dạy trong các nhà trường.

Theo cá nhân nhân tôi, đề xuất Bộ GDĐT biên soạn 1 bộ sách giáo khoa là không cần thiết trong lúc này bởi nhiều lí do.

Về mặt pháp lí, Nghị quyết 88 của Quốc hội cũng nêu rõ chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa. Điều này giúp phá bỏ độc quyền sách giáo khoa.

Khi phá bỏ được tư duy đó, giáo viên mới không lệ thuộc vào sách giáo khoa, chủ động tìm tòi sáng tạo. Cách kiểm tra, đánh giá mới cũng sẽ thay đổi. Đề thi theo hướng mở, giúp học sinh phát huy được những thế mạnh, năng lực thay vì chạy theo học vẹt, học tủ, bệnh thành tích.

Nếu Bộ GDĐT biên soạn thêm 1 bộ sách giáo khoa, rất dễ quay trở lại tình trạng độc quyền sách giáo khoa như trước. Điều này sẽ gây xáo trộn cho giáo viên, nhà trường và cả học sinh.

Bản thân tôi khi soạn giảng không chỉ căn cứ vào sách Lịch sử và Địa lý 7 Cánh Diều (bộ sách trường chọn) mà còn tham khảo những nội dung hay phù hợp của sách Kết nối tri thức với cuộc sống để chất lượng bài dạy được tốt hơn.

Theo báo cáo, đánh giá của Bộ GDĐT, “Sách giáo khoa được biên soạn còn có một số nội dung chưa phù hợp với đối tượng học sinh hoặc chưa phù hợp với một số vùng miền; một số từ ngữ mang tính địa phương, phương ngữ; một số đoạn văn, bài thơ đưa vào sách giáo khoa chưa hay; một số thông tin trong một số môn học chưa cụ thể và gần gũi với học sinh…”. Đây là điều khó tránh khỏi và hoàn toàn có thể bổ sung điều chỉnh được, vì như nói ở trên, chương trình là pháp lệnh, sách giáo khoa là tư liệu đảm bảo mục tiêu, yêu cầu của chương trình.

Nhiều bất cập cần được giải quyết

Thực tế sau thời gian thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, đối với cấp THCS có một số bất cập về việc dạy học môn tích hợp: Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên; Nghệ thuật.

Cụ thể, hiện nay chưa có giáo viên giảng dạy được môn tích hợp. Giáo viên vốn được đào tạo đơn môn giờ lại phải đảm nhận nhiều phân môn. Mặc dù thầy cô đã tham gia các lớp tập huấn, nhưng trong thời gian ngắn, chỉ vài tháng, khó có thể đáp ứng, truyền tải lượng kiến thức chuyên sâu đến học trò.

Về việc lựa chọn sách giáo khoa, hướng dẫn, phân cấp việc chọn sách giáo khoa giao về các trường, hiệu trưởng trực tiếp chịu trách nhiệm lựa chọn bộ sách để giảng dạy là phù hợp, sát với học sinh của trường hơn. Tuy nhiên, hiện tại việc lựa chọn bộ sách giáo khoa nào để giảng dạy là do Hội đồng chọn sách giáo khoa của Sở GDĐT mỗi địa phương quyết định theo qui trình từ cấp trường đến cấp sở, nên có tình trạng trường chọn bộ sách A, hội đồng sở chọn bộ sách B.

Những khó khăn, bất cập trong việc dạy môn tích hợp, quy trình lựa chọn sách giáo khoa, thiếu thốn về cơ sở vật chất khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018... Đó mới là những vấn đề đáng được đưa ra bàn luận, tìm giải pháp tháo gỡ, thay vì đề xuất có thêm một bộ SGK do Bộ GDĐT biên soạn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn