MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vấn đề tăng lương, đảm bảo đời sống cho giáo viên được Bộ GDĐT đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Ảnh: Ánh Nguyệt

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiều lần kiến nghị xếp lương giáo viên cao nhất trong thang bậc lương

Bích Hà LDO | 15/10/2023 21:07

Nhiều năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã kiên trì với đề xuất thực hiện chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW: lương giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Những giờ qua, thông tin về kiến nghị tại Đại hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam lần thứ XVI về chính sách tiền lương cho nhà giáo nhận được mong chờ của rất nhiều giáo viên.

Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã nêu kiến nghị, đề xuất của cán bộ, nhà giáo, người lao động đối với Đảng, Nhà nước, Bộ GDĐT. Trong đó, đề nghị Đảng, Nhà nước khi thực hiện cải cách tiền lương, xây dựng thang bảng lương mới thì xếp thang bảng lương của nhà giáo cao nhất và đảm bảo nhà giáo sống được bằng đồng lương của mình.

Vấn đề lương nhà giáo theo Nghị quyết 29 tiếp tục được đặt ra, nhằm giải quyết thực trạng thiếu giáo viên, nhất là thời gian qua có nhiều giáo viên bỏ việc, xin nghỉ hưu trước tuổi, đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc...

Ngày 4.11.2013, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI ban hành Nghị quyết 29/NQ-TW (Nghị quyết 29) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Tại khoản 6 mục 3 phần B Nghị quyết 29 đã nêu rõ: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

10 năm qua, ngành Giáo dục và các địa phương đã nỗ lực thực hiện các giải pháp để đưa nghị quyết vào đời sống. Tuy nhiên, vấn đề lương giáo viên vẫn là “nút thắt” với nhiều trăn trở. 4 đời bộ trưởng, cùng một mục tiêu, làm sao để giáo viên “sống được bằng lương”. Đây cũng là mong mỏi chính đáng của hàng triệu nhà giáo trên cả nước, nhưng đến nay chưa thành hiện thực.

Đặc biệt, thời điểm năm 2018, khi thực hiện sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Bộ GDĐT đã nhiều lần đề xuất lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương. Sau đó, do không nhận được ý kiến đồng thuận của 2 bộ có liên quan trực tiếp là Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính nên đề xuất tăng lương nhà giáo không được đề cập trong dự thảo luật để trình Quốc hội.

Đến năm 2023, tại các buổi làm việc với các bộ, ngành liên quan về đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo, Bộ GDĐT tiếp tục đề nghị Bộ Nội vụ thực hiện chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trong quá trình cải cách tiền lương cần xác định lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

Đối với giáo viên mới vào nghề, giáo viên hợp đồng, cần có chính sách hỗ trợ để đảm bảo thu nhập không thấp hơn lương tối thiểu vùng; được hưởng phụ cấp ưu đãi, các khoản hỗ trợ học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng dạy học…

Ngoài chính sách chung của Nhà nước, các địa phương căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội, có các chính sách hỗ trợ khác về thu nhập, điều kiện làm việc, nhà công vụ, đi lại… cho giáo viên.

Bộ GDĐT đang xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo và sẽ cụ thể hóa những đề xuất trên trong luật. Theo lộ trình, dự kiến dự thảo Luật sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5.2024) để có thể thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10.2024) Quốc hội khóa XV.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn