MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Bùi Văn Chung - công nhân Công ty TNHH Công Nghiệp Kyb Việt Nam dạy con viết chữ. Ảnh: Phương Quỳnh

Bố mẹ công nhân “đánh vật’ với việc học của con

Nhóm PV LDO | 29/10/2020 11:34
Với tình yêu và sự chăm lo, bố mẹ là công nhân theo sát việc học của con theo cách riêng mặc dù họ còn gặp nhiều khó khăn trong việc làm.

Đổi ca làm ở công ty

Năm nay, con trai của anh Bùi Văn Chung - công nhân (CN) Công ty (Cty) TNHH Công Nghiệp Kyb Việt Nam (Võng La, Đông Anh, Hà Nội) vào học lớp 1. Công việc của anh Chung cũng có nhiều thay đổi theo.

Từ làm ca 2, anh Chung xin chuyển sang làm ca 1 (từ 6h sáng đến 2h chiều). Anh Chung bảo, làm như vậy, anh sẽ có thời gian để về đón con.

Theo anh Chung, lúc này, chuyện học hành của con trai là quan trọng nhất. Mỗi ngày, sau khi tan làm, anh Chung đều về phòng trọ, tranh thủ nghỉ ngơi, đến giờ thì qua trường đón con và đi chợ. Vợ anh về muộn, hai bố con tự chăm sóc nhau là chủ yếu. Nhiều hôm, bữa cơm tối của gia đình cũng chỉ có hai bố con ngồi ăn trước với nhau. “Cuộc sống còn nhiều thiếu thốn và lo toan nên phải chấp nhận” - anh Chung thở dài.

Nhắc tới chuyện học hành của cậu con trai, anh Chung cho biết, năm đầu tiên con vào học cấp 1, học nhiều, sách lại có nhiều cải cách nên bản thân anh gặp khá nhiều khó khăn trong việc dạy học cho con. Mỗi buổi tối, ăn uống, dọn dẹp xong xuôi, khoảng 19h, anh Chung và con trai lại ngồi vào bàn học. Hai bố con cùng nhau tập đọc, tập viết và chuẩn bị bài học ngày hôm sau đến tận 22h mới đi ngủ.

“Ngày con mới đi học, con phải tập viết và đọc nhiều nên học lâu hơn. Nhiều lúc dạy con, tôi cũng có cảm giác bất lực, vì có phần mình đọc còn không hiểu, nói lại cho con, con cũng không hiểu mình nói gì” - anh Chung cho hay.

“Ngày nào cũng có bài mới”

Những ngày qua, nhiều phụ huynh đã chia sẻ trên các diễn đàn cho rằng, chương trình lớp 1 năm nay quá nặng với trẻ, các con phải tiếp nhận khối lượng kiến thức quá lớn. Đối với các vợ chồng công nhân có con vào lớp 1, họ cũng rất vất vả để có thể hỗ trợ cho con học hành.

Chị Thuận làm công nhân (CN) trong một công ty điện tử thuộc Khu công nghiệp (KCN) Phú Hà ở huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Chị có 2 con, một năm nay lên lớp 4, một năm nay mới học lớp 1. Chồng chị cũng làm CN nhưng ở KCN Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội). Hai vợ chồng đều muốn được gần nhau để chăm sóc con được tốt hơn, nhưng vì mưu sinh, nên họ đành phải chấp nhận xa nhau. Vì vậy, hầu như mọi việc chăm lo, dạy học cho con đều do ông bà nội và chị Thuận đảm nhận.

Khi được hỏi về việc dạy cháu út - năm nay vào lớp 1 - học ở nhà, chị Thuận thở hắt: “Các bài học cho cháu không phải là khó, nhưng ngày nào cũng có bài mới, nên việc hỗ trợ cháu út học vất vả hơn là cháu đầu. Tôi chủ yếu là dạy kèm cháu út vào lớp 1”.

Chị Thuận kể, chị làm CN đến 19h30 mới tan ca. Sau khi về nhà, ăn tối xong là chị lại ngồi kèm cho cháu học. “Chủ yếu là tôi dạy kèm môn tiếng Việt cho cháu, cả viết và đọc. Tối nào tôi cũng dành ra gần 2 giờ đồng hồ để làm bài tập cùng cháu” - chị Thuận nói.

Chị Thuận thừa nhận, có lúc bực quá vì cháu tiếp thu chậm, nên chị có to tiếng với cháu. Đồng thời, chị lý giải, các cháu còn nhỏ, chưa có sự tập trung, chú ý cao nhưng phải học nhanh, nhiều bài mới quá nên bố mẹ dạy kèm khá vất vả. Chị Thuận cho biết, trước đây, khi dạy kèm cho cháu đầu vào lớp 1, chị thấy nhàn hơn, đỡ áp lực hơn.

Không chỉ tiếng Việt mà môn Toán cũng khó “nhằn” với vợ chồng chị Thuận. Anh Khánh - chồng chị Thuận - cho rằng, Toán lớp 1 có một số bài khá khó. “Vừa rồi, tôi có nhờ cô giáo photo bài Toán nâng cao cho con. Khi đọc, tôi không biết giảng cho con như thế nào nên phải nhờ cô giáo tư vấn thêm mới biết cách giải để hướng dẫn cho con” - anh Khánh chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn