MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Đã bỏ nhiều quy định chứng chỉ tin học, ngoại ngữ

Đặng Chung - Trần Vương - Nguyễn Hà LDO | 09/11/2020 19:10
Trả lời các vấn đề liên quan đến quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với viên chức, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, trong thời gian qua, Bộ đã xem xét giảm bớt, bỏ nhiều quy định về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong việc thăng hạng, nâng ngạch với công chức, viên chức.

Quy định trình độ tin học, ngoại ngữ theo từng vị trí việc làm

Chiều 9.11, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (TP.Hà Nội) đã đề cập đến vấn đề thực hiện lời hứa của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.

Đại biểu cho biết, có rất nhiều cử tri đã theo dõi và những kỳ họp trước, Bộ trưởng đề cập đến là sẽ sớm bỏ những chứng chỉ, cụ thể như chứng chỉ ngoại ngữ. Vậy cử tri quan tâm là đến bao giờ việc này sẽ được bỏ, để loại bỏ tình trạng thi nhau đi học các chứng chỉ ngoại ngữ để hoàn thành các tiêu chuẩn thăng hạng, nâng ngạch?

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh: Quốc hội

Phản hồi vấn đề đại biểu Nguyễn Văn Chiến nêu, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết: Trong quá trình tổ chức triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chức và Viên chức, các nghị định của Thủ tướng Chính phủ cũng tập trung cho vấn đề xem xét giảm bớt các thủ tục trong việc tuyển dụng, quản lý, thi nâng ngạch, thăng hạng viên chức, kể cả quá trình bổ nhiệm cán bộ.

“Về vấn đề tuyển dụng, lần này nghị định Chính phủ đã quy định là đối với những trường hợp khi tốt nghiệp các bằng chuyên môn đã chuẩn về đầu ra ngoại ngữ, tin học theo quy định của Bộ GDĐT. Ví dụ như ngoại ngữ thuộc trình độ bậc 3 thì không cần phải yêu cầu có chứng chỉ ngoại ngữ nữa. Nếu trường đại học đã đào tạo chuẩn rồi là không cần nữa"- Bộ trưởng Bộ Nội vụ thông tin.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, để thực hiện vấn đề này, trong nghị định cũng giao cho các Bộ quản lý chuyên ngành về cán bộ, công chức, viên chức sẽ ban hành thông tư hướng dẫn về tiêu chuẩn của ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp của viên chức. Trong đó có quy định về trình độ tin học và ngoại ngữ theo từng vị trí việc làm.

Giáo viên vùng cao khăn gói về Thái Nguyên thi chứng chỉ. Ảnh: LĐO

Tiến tới bỏ các quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học

Về việc tiến tới bỏ các quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong vấn đề tuyển dụng, nâng ngạch công chức và thăng hạng viên chức, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Bộ Nội vụ đang phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi các tiêu chí về chuyển ngạch của công chức và hạng viên chức.

Theo đó, sẽ không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nữa, mà chỉ quy định về năng lực sử dụng ngoại ngữ và tin học, thể hiện trong các kỳ thi kiểm tra trên máy vi tính và không yêu cầu phải cung cấp văn bằng, chứng chỉ.

“Trong thời gian qua, Bộ Nội vụ cũng đã phối hợp với Bộ GDĐT ban hành các thông tư sửa đổi về chuẩn của chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non và phổ thông công lập. Theo đó cũng không quy định chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong tiêu chuẩn đào tạo và bồi dưỡng”- Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết.

Trước đó, từ 5-11.11.2019, Báo Lao Động đăng tải loạt bài “Giấy phép con hành giáo viên” (5 kỳ). Loạt bài là tiếng nói phản biện mạnh mẽ về những bất cập trong quy định về văn bằng, chứng chỉ trong thăng hạng, nâng ngạch, bổ nhiệm công chức, viên chức.

Quy định về chứng chỉ áp đặt một cách máy móc, cào bằng, khiến đội ngũ công chức, viên chức khổ sở bổ sung hoàn thiện. Những "giấy phép con" đó đã tạo ra những hành vi tiêu cực, gian lận để "đạt chuẩn" theo yêu cầu. Đồng thời cũng tạo "vùng đất màu mỡ" cho các đối tượng “cò bằng cấp”, “cò chứng chỉ” sống gửi.

Vấn đề Báo Lao Động phản ánh đã nhận được sự quan tâm của dư luận và các đại biểu Quốc hội.

Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV vào ngày 7.11.2019, đại biểu Quốc hội đã chỉ ra những bất cập trong quy định về chứng chỉ trong thăng hạng, nâng ngạch hiện nay.

Trước diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã nhận trách nhiệm và hứa sẽ rà soát, tham mưu với Chính phủ để sửa đổi quy định về chứng chỉ, với mục đích công chức, viên chức không phải khổ nữa.

Trước những hiệu ứng xã hội và kết quả thay đổi về mặt chính sách mà loạt bài "Giấy phép con hành giáo viên" tạo nên, Báo Lao Động đã nhận được phản hồi của rất nhiều giáo viên, công chức, viên chức. Họ gửi lời cảm ơn Báo Lao Động và mong các quy định sớm đi vào thực tế, để văn bằng chứng chỉ không còn là gánh nặng với cán bộ công chức, viên chức.

Loạt bài cũng được vinh danh, đoạt giải B Giải báo chí quốc gia năm 2019.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn