MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ thăm trường học tại Yên Bái và mong muốn dạy và học phải là thực chất. Ảnh: HN

Bộ trưởng GDĐT Phùng Xuân Nhạ chỉ ra nguồn gốc bệnh thành tích

HUYÊN NGUYỄN LDO | 18/12/2018 06:42

Lắng nghe những khó khăn, trăn trở của giáo viên tỉnh Yên Bái trong buổi làm việc ngày 17.12, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh thi đua trong giáo dục không phải đặt thêm gánh nặng, là hình thức đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục cắt giảm tối đa các cuộc thi, đề xuất sửa quy định về sáng kiến kinh nghiệm.

Giáo viên còn ngại đổi mới - đó là những trăn trở của ông Bùi Văn Xuân – Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Văn Yên). Ông Xuân bày tỏ những khó khăn sẽ phải đối mặt khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới về đội ngũ, kinh phí, cơ sở vật chất, thay đổi tư duy giáo dục. Khó khăn lớn nhất theo ông Xuân là đội ngũ có thể đáp ứng được yêu cầu về đổi mới, khi một bộ phận giáo viên còn hạn chế về năng lực, ngại đổi mới và tư duy khi đổi mới sẽ kéo theo vấn đề liên quan đến đội ngũ như thừa thiếu cục bộ hay thay đổi về cơ cấu...

Trong khi đó, cô giáo Nguyễn Tuấn Anh – giáo viên Trường Mầm non Bông Sen (TP Yên Bái) bày tỏ các quy định về sáng kiến kinh nghiệm chưa thật phù hợp với giáo viên mầm non.

Cô Tuấn Anh lí giải, giáo viên mầm non thường có nhiều ý tưởng trong trang trí phòng học, trong tổ chức sinh hoạt hay làm dụng cụ học tập, đồ chơi cho các cháu. Những vấn đề này rất khó có thể biết thành sáng kiến kinh nghiệm để đáp ứng được các yêu cầu, điều kiện để dự thi giáo viên giỏi hay các danh hiệu khác.

Lắng nghe quan điểm của các thầy cô, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bày tỏ cho biết sẽ kiến nghị sửa đổi quy định về sáng kiến kinh nghiệm, hạn chế các cuộc thi hình thức trong ngành Giáo dục.

“Chúng ta đang thực hiện Nghị định về đánh giá cán bộ viên chức, công chức. Trong đó, muốn đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua phải có sáng kiến kinh nghiệm. Tôi cho rằng đối với ngành Giáo dục, quy định này dường như chưa phù hợp. Đây cũng là một trong những nguồn gốc bệnh thành tích gây áp lực cho giáo viên”, Bộ trưởng nói.

Theo người đứng đầu ngành Giáo dục, quan điểm của Bộ GDĐT, thi đua là tốt nhưng thi đua phải tạo động lực cho các thầy cô chứ không phải thi đua là đặt thêm gánh nặng. Bộ cũng sẽ tăng cường công tác hậu kiểm kết quả thực tế của giáo viên khi nhân rộng kinh nghiệm thực tế trong giảng dạy, được học sinh, phụ huynh tin yêu chứ không phải là sáng kiến ghi lại chỉ để tôn vinh.

“Tôi nghe rất nhiều về việc “diễn” trong các cuộc thi không thiết thực, gây phản cảm. Cá nhân tôi không đồng ý. Và tôi đang chỉ đạo các vụ, cục rà soát thật kĩ vấn đề này”, vị lãnh đạo Bộ khẳng định.

Trong năm học tới, Bộ sẽ tiếp tục rà soát và cắt giảm tối đa các cuộc thi tạo áp lực cho giáo viên, những cuộc thi không nâng cao chất lượng thực sự cho giáo dục mà có khi còn tạo ra tiêu cực.

Bộ trưởng cũng cho biết, tới đây, khi sửa Nghị định này và Luật Giáo dục ở các nội dung có liên quan, Bộ GDĐT sẽ đề nghị chỉnh sửa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn