MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn câu chuyện học sinh phải nghỉ học vì xã lên nông thôn mới. Ảnh: Phạm Đông

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đau lòng khi học sinh phải nghỉ học vì nông thôn mới

Thùy Linh - Phạm Đông LDO | 30/10/2023 20:49

Khi xã Huy Giáp, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng lên nông thôn mới, có học sinh tại một trường phải nghỉ học do không được hỗ trợ miễn giảm học phí và ăn trưa.

Đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo, tái nghèo còn cao

Liên quan đến việc triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các đại biểu Quốc hội cho rằng vẫn còn nhiều bất cập. Đại biểu Hoàng Quốc Khánh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu cho rằng: Công tác giảm nghèo chưa thật sự đạt mục tiêu đa chiều, bền vững.

"Giám sát đã chỉ ra công tác giảm nghèo chưa thật sự đạt mục tiêu đa chiều, bền vững, nguy cơ tái nghèo, phát sinh nghèo còn cao, một số địa phương khó khăn đã được công nhận nông thôn mới vẫn còn tình trạng nợ tiêu chí, hụt tiêu chí, trong đó có nhiều tiêu chí quan trọng" - ông Khánh nói.

Bên cạnh đó, báo cáo giám sát chưa đánh giá đầy đủ số liệu đến thời điểm hiện nay có bao nhiêu tỉnh, huyện, xã đạt nông thôn mới giai đoạn 2015-2020 nợ tiêu chí, hụt tiêu chí.

Mục đích giám sát là để đánh giá thực chất kết quả xây dựng nông thôn mới, tránh tình trạng chạy theo số lượng, vì khi đã đạt chuẩn nông thôn mới, những chính sách xã hội về giáo dục, y tế, an sinh xã hội bị cắt giảm do không còn là đối tượng được hưởng chính sách, trong khi đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo, tái nghèo còn cao, nhiều địa phương vẫn phải bố trí ngân sách để hỗ trợ.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh phát biểu. Ảnh: Văn phòng Quốc hội

Về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đại biểu Hoàng Thị Đôi - Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La - cho biết, thực hiện các Quyết định 318, Quyết định 319 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó có một số tiêu chí phân cấp cho địa phương quy định để phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.

Tuy nhiên, một số tiêu chí như thu nhập nghèo đa chiều vẫn quy định khá cao, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của các xã khó bắt kịp so với chỉ tiêu của bộ tiêu chí. Một số chỉ tiêu khi áp dụng thực tiễn khó triển khai như chỉ tiêu xã phải có vùng nguyên liệu tập trung để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Trên thực tế, nhiều xã vùng III của các tỉnh không có vùng nguyên liệu tập trung, các sản phẩm nông, lâm sản và thủy sản quy mô nhỏ chủ yếu theo mùa vụ. Mặt khác, chỉ tiêu cũng quy định diện tích sân bóng đá thể thao, quy định tỉ lệ phần trăm phải hỏa táng chưa phù hợp với vùng miền dân tộc,...

Vì vậy, đại biểu đề nghị phải có sự điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các tiêu chí, chỉ tiêu phù hợp với thực tiễn nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra.

Đại biểu Hoàng Thị Đôi. Ảnh: Văn phòng Quốc hội

Nhiều nơi "không muốn đạt chuẩn nông thôn mới"

Giải trình những ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng NNPTNT Lê Minh Hoan thừa nhận việc cần tư duy lại mục tiêu, chỉ tiêu phát triển nông thôn mới trong các chương trình mục tiêu quốc gia.

Dẫn câu chuyện tại xã Huy Giáp, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết câu chuyện này được báo chí gửi đến ông, khi nơi đây lên nông thôn mới, học sinh tại một trường phải nghỉ học do không được hỗ trợ miễn giảm học phí và ăn trưa.

"Đây là thực tế khiến người làm chính sách đắn đo và đau lòng", Bộ trưởng nói.

Với các quy định hiện hành, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết xã sau khi hoàn thành để lên nông thôn mới, tất cả nguồn lực đều không còn nên dẫn đến thực trạng nhiều nơi "không muốn đạt chuẩn nông thôn mới".

Chỉ ra nguyên nhân của vấn đề này, ông Hoan cho rằng, cấu trúc của chương trình còn lỏng lẻo; việc thực hiện chương trình chịu áp lực kép.

"Một bên là mong muốn tất cả xã lên nông thôn mới để hoàn thành chỉ tiêu của đại hội địa phương, nhưng một bên, nhiều xã lại không mong muốn lên nông thôn mới vì họ bị giới hạn nguồn lực và hỗ trợ, nên có tư duy giống như không thoát nghèo và ở lại diện nghèo", Bộ trưởng NNPTNT lý giải.

Tự thừa nhận chính sách trong vấn đề này chưa ổn và "nhận về phần mình", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh định hướng chính sách phải đảm bảo tạo ra năng lực cụ thể cho địa phương, không thể ngân sách Nhà nước cứ đi đầu tư trong khi chưa phát huy hết năng lực của cộng đồng.

Một thực tế khác được chỉ ra, là khi ban hành chương trình xây dựng nông thôn mới, Bộ NNPTNT đã cố gắng có cơ chế đặc thù riêng cho từng vùng miền. Tuy nhiên, ngay trong vùng cũng có chênh lệch giữa các địa phương.

Trong làm chính sách, ông Hoan thừa nhận rất khó để có đủ cách tiếp cận cho từng địa bàn, song ông nói tới đây sẽ tính toán thêm về vấn đề này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn