MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu khai mạc Diễn đàn Giáo dục vì sự phát triển bền vững và công dân toàn cầu của UNESCO năm 2019.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Giáo dục là chìa khóa cho phát triển bền vững

Đặng Chung LDO | 02/07/2019 12:15
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Giáo dục vì sự phát triển bền vững và công dân toàn cầu vào sáng 2.7, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, giáo dục chính là giải pháp, là con đường dẫn đến sự thay đổi, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Sáng 2.7, Diễn đàn Giáo dục vì sự phát triển bền vững và công dân toàn cầu của UNESCO năm 2019 đã khai mạc tại Hà Nội. 

Diễn ra trong 2 ngày (2-3.7), với sự tham dự của hơn 350 đại biểu là lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, các nhà giáo dục đến từ hơn 100 quốc gia trên thế giới, diễn đàn hướng đến việc tìm giải pháp tích hợp ba khía cạnh nhận thức, cảm xúc - xã hội và hành xử trong học tập và giảng dạy vì một xã hội hòa bình, bền vững và giáo dục công dân toàn cầu vào chương trình giáo dục mầm non, tiểu học và trung học.

Diễn đàn Giáo dục vì sự phát triển bền vững và công dân toàn cầu của UNESCO năm 2019 do UNESCO phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Ủy Ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức.

Trong bài phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhấn mạnh rằng, hướng tới sự phát triển bền vững không thể đạt được chỉ bằng các thỏa thuận chính trị, giải pháp tài chính hoặc công nghệ mà cần thay đổi các giá trị và hành vi của cộng đồng, giúp họ lựa chọn một cách sống bền vững hơn.

“Và giáo dục chính là giải pháp, là con đường dẫn đến sự thay đổi. Giáo dục để đảm bảo người dân biết đâu là lựa chọn đúng đắn, đồng thời giúp họ có thông tin và kỹ năng để làm theo lựa chọn đúng đắn đó”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.

Ông lấy ví dụ từ việc phát triển giáo dục của Việt Nam: "Kể từ năm 2013, Việt Nam đang tiến hành cải cách giáo dục một cách căn bản và toàn diện. Một trong những cột mốc quan trọng là chương trình giáo dục phổ thông quốc gia được phê duyệt vào tháng 12 năm 2018.

Chương trình giáo dục phổ thông mới dựa trên phát triển phẩm chất và năng lực của người học hướng tới việc giúp cho học sinh có được những kỹ năng cần thiết cho thế kỷ 21. Mục tiêu của chúng tôi không chỉ là tích hợp phát triển bền vững vào giáo dục mà còn huy động giáo dục như một phương tiện thực hiện toàn diện cho tất cả các mục tiêu phát triển bền vững”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng thừa nhận, hiện còn nhiều vấn đề ngành giáo dục Việt Nam đang phải đối mặt trong việc triển khai chương trình này: “Làm thế nào giáo dục tiếp cận và phục vụ tất cả mọi người? Làm thế nào để cập nhật chương trình giảng dạy và các tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai? Làm thế nào để biến việc học tập thành một hành trình suốt đời? Làm thế nào để hỗ trợ sáng tạo và đổi mới? Làm thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên? Những câu hỏi này không chỉ dành cho Việt Nam mà còn cho các quốc gia khác”.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hy vọng, diễn đàn này sẽ là nơi chia sẻ nhiều kinh nghiệm và sáng kiến, vì mục tiêu chung hướng đến sự phát triển bền vững ở mỗi quốc gia và trên toàn thế giới.

Trong khuôn khổ của Diễn đàn sẽ diễn ra 7 phiên họp toàn thể; 4 phiên thảo luận nhóm. Các phiên họp toàn thể và thảo luận nhóm sẽ có tính tương tác cao nhằm tăng cường mối quan hệ đối tác và mở rộng các cơ hội kết nối mạng lưới xung quanh các vấn đề nêu trên, đồng thời thảo luận và thúc đẩy đối thoại cũng như chia sẻ thông tin và kiến thức thực tiễn.

Diễn đàn cũng sẽ dành thời gian cho giáo viên và học sinh lên tiếng về nhu cầu của họ, xét về khía cạnh sư phạm hiệu quả cho ESD và GCED, sau đó sẽ là phiên đối thoại toàn thể về nhu cầu nào cần được cải thiện/ thay đổi trong bối cảnh hệ thống giáo dục hiện nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn