MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Để trở thành bác sĩ chuyên môn thì ngoài 6 năm được đào tạo ở trong trường ĐH thì phải cần ít nhất 2 đến 3 năm đào tạo chuyên sâu. Ảnh minh họa: Kim Đồng.

Bộ Y tế nêu bất cập trong đào tạo nhân lực ngành Y, Bộ Giáo dục Đào tạo phản hồi

Bích Hà LDO | 07/11/2018 07:00
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ Giáo dục Đào tạo (GDĐT), việc quy định tên văn bằng gắn với tên vị trí việc làm của đội nhân lực ngành y trong hệ thống giáo dục quốc dân là không phổ biến trên thế giới.

Bác sĩ chuyên khoa 1, 2 vẫn được làm giảng viên đại học

Ngày 5.11, trên một số phương tiện truyền thông, ông Nguyễn Minh Lợi - Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) đã có những kiến nghị, cho rằng dự thảo Luật Giáo dục ĐH (đang trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV để lấy ý kiến) chưa đề cập đến đặc thù trong đào tạo nhân lực y tế

Theo đó, Dự thảo Luật Giáo dục ĐH đang quy định tiêu chuẩn giảng viên đại học tối thiểu là thạc sĩ, tiến sĩ. Như vậy, trong các bệnh viện chủ yếu là những người có bằng chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 hay nội trú có trình độ chuyên môn tay nghề rất giỏi và đang tham gia giảng dạy thì công nhận họ thế nào?

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT).

Trước ý kiến của đại diện Bộ Y tế, ngày 6.11, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT), thành viên Ban soạn thảo dự thảo sửa đổi Luật GD Đại học - đã có những phản hồi.

Cụ thể, đại diện Bộ GDĐT cho rằng, quy định chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ trở lên không phải là vấn đề mới mà đã có từ Luật Giáo dục đại học 2012.

Khái niệm chuẩn giảng viên trong Luật Giáo dục đại học của hầu hết các nước đều đề cập đến là trình độ và văn bằng của các giảng viên giảng dạy tại cơ sở giáo dục đại học, theo hệ thống văn bằng giáo dục quốc gia.

Dù Dự thảo Luật giáo dục đại học xác định tiêu chuẩn giảng viên đại học tối thiểu là thạc sĩ, nhưng theo Bộ GDĐT, với đặc thù của ngành y, bác sĩ chuyên khoa 1, 2 vẫn được làm giảng viên đại học. Nếu đồng thời có bằng thạc sĩ trở lên, giảng viên đó được tính hệ số 1,0. Nếu chưa có bằng thạc sĩ trở lên, giảng viên đó được tính hệ số giảng viên thấp hơn.

Tại sao bác sĩ chuyên khoa, nội trú 'nằm ngoài ' dự thảo Luật Giáo dục ĐH?

Góp ý về Dự thảo Luật Giáo dục ĐH, đại diện Bộ Y tế cũng cho rằng, đào tạo y khoa là đào tạo song song theo cả 2 hướng hàn lâm và chuyên nghiệp. Do vậy, nếu không quy định về trình độ cụ thể cho đối tượng đào tạo nhân lực này trong Luật Giáo dục ĐH sẽ chỉ làm hệ thống rối thêm và không giải quyết được việc nâng cao chất lượng nhân lực ngành y tế.

Trên diễn đàn Quốc hội, một số đại biểu kiến nghị Dự thảo Luật Giáo dục ĐH cần quy định rõ trình độ của bác sĩ chuyên khoa tương đương thạc sĩ, tiến sĩ hoặc trình độ chuyên gia. Bởi để trở thành bác sĩ chuyên môn thì ngoài 6 năm được đào tạo ở trong trường ĐH thì phải cần ít nhất 2 đến 3 năm đào tạo chuyên sâu.

Về vấn đề này, phía Bộ GDĐT cũng có những phản hồi. Bộ cho rằng việc quy định tên văn bằng gắn với tên vị trí việc làm (bác sĩ, dược sĩ, kĩ sư, kiến trúc sư…) trong hệ thống giáo dục quốc dân không phổ biến trên thế giới.

“Theo kinh nghiệm ở một số nước trên thế giới thì việc quản lý tổ chức đào tạo, quy định trình độ nghề và cấp chứng chỉ nghề nghiệp chuyên sâu thường thuộc thẩm quyền của hiệp hội nghề nghiệp hoặc của cơ quan quản lý chuyên môn...

Ban soạn thảo đã tham khảo Luật Giáo dục ĐH của một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Đức, Trung Quốc,… chưa thấy có nước nào quy định về đào tạo bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ nội trú trong Luật Giáo dục ĐH”- bà Nguyễn Thị Kim Phụng chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn