MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bốn đề xuất giáo viên gửi đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Nguyễn Văn Lực (Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa) LDO | 31/01/2023 10:00

Thầy Nguyễn Văn Lực - giáo viên Trường THCS Trịnh Phong (Diên Khánh, Khánh Hòa) - kiến nghị 4 đề xuất gửi đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT).

Để giáo dục năm Quý Mão 2023 có những bước chuyển nhẹ nhàng, chất lượng, xin kiến nghị lãnh đạo ngành Giáo dục quan tâm đến những vấn đề sau:

Tiếp thu nền văn minh nhân loại

Giáo viên kiến nghị Bộ GDĐT cần đưa tiếng Anh vào chương trình dạy cho học sinh ngay từ lớp 1. Ảnh: Vân Trang

Để hội nhập quốc tế một cách sâu rộng, thực chất hiệu quả, tiếp thu tiến bộ của nhân loại nhất là lĩnh vực khoa học - công nghệ, Bộ GDĐT cần đưa tiếng Anh vào chương trình dạy cho học sinh ngay từ lớp 1 (hiện nay thực hiện dạy mới ở lớp 3).

Nếu làm được điều này, 12 năm sau, học sinh, sinh viên sử dụng được tiếng Anh thuần thục như một ngôn ngữ thứ hai sau tiếng mẹ đẻ (tiếng Việt). Học sinh, sinh viên có thể trực tiếp sử dụng tài liệu sách, giao tiếp bằng tiếng Anh mà không cần phải dịch sang tiếng Việt.

Để thực hiện hiệu quả việc dạy và học tiếng Anh, ngành Giáo dục cần có chương trình giảng theo chuẩn quốc tế và đào tạo đội ngũ giáo viên tiếng Anh có chất lượng đạt chuẩn quốc tế.

Đào tạo nguồn nhân lực

Việt Nam đã và đang chủ trương phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, TP Hà Nội, tỉnh Thừa Thiên - Huế, TP Hồ Chí Minh trở thành những tỉnh thành có các trường đại học hàng đầu được xếp hạng cao theo chuẩn quốc tế nhằm thu hút được sinh viên giỏi cả nước cũng như trên thế giới về đây học tập công tác. Từ đó, tạo ra sản phẩm trí tuệ, chất xám phục vụ cho sự phát triển của các thành phố nói riêng, cả nước nói chung.

Để các trường đại học thu hút được sinh viên giỏi trên cả nước - nhân tài trong tương lai, cần có cơ chế đặc thù. Cụ thể là thực hiện việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm thực hiện “khoán 10 trong giáo dục” cho các trường đại học: Về tuyển sinh, chương trình, giảng viên, tài chính… toàn quyền, thực chất, được bảo đảm thực thi bằng luật pháp như các trường đại học ở các nước Anh, Mỹ…

Thu hút và trọng dụng nhân tài

Cần phải có sự đột phá với phương châm “Việc xây dựng đất nước lấy việc dạy học làm đầu, tìm lẽ trị bình lấy việc tuyển nhân tài làm gốc" (Vua Quang Trung) thực hiện được mong muốn này cần phải có nhân tài thật như Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra cho ngành Giáo dục phải thực hiện được: “Học thật, thi thật, nhân tài thật”.

Để đất nước có “nhân tài thật”, ngành Giáo dục cần quan tâm phát hiện - bồi dưỡng; đào tạo và sử dụng nhân tài giúp ích cho đất nước. Cụ thể chính là bồi dưỡng những học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế trên các lĩnh vực vì đây là những hạt giống tài năng cần được tiếp tục bồi dưỡng để sử dụng hiệu quả, tránh việc lãng phí, chảy máu chất xám.     

“Chủ trương 1, biện pháp 10, quyết tâm 20”

Để giáo dục nước nhà phát triển trong xu thế toàn cầu hóa, hiện nay ngoài việc đã xác định 11 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022; triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018; ban hành và triển khai chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045; chuyển đổi số, cải cách hành chính…. ngành Giáo dục cần phải có quyết tâm chiến lược thực hiện sứ mệnh cao cả trồng người, nếu có giải pháp đúng mà không có sự quyết tâm thực hiện thì cũng không bao giờ đến đích sớm được, thậm chí còn tụt lại ở lại phía sau.

Do vậy mong rằng, lãnh đạo ngành Giáo dục, thầy cô giáo phải quyết tâm thực hiện với tinh thần “Chủ trương 1, biện pháp 10, quyết tâm 20” thì mới thúc đẩy giáo dục đạt được thành quả như mong đợi trong năm Quý Mão 2023 này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn