MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh Hà Nội tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022 - 2023. Ảnh: Vân Trang

Cả mẹ và con mất ngủ, ám ảnh vì áp lực kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10

Vân Trang LDO | 25/02/2023 11:00

Áp lực thi tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội trong năm nay và những năm vừa qua là rất lớn. Phụ huynh thì mất ăn, mất ngủ vì lo lắng, học sinh học hành vất vả, thời gian nghỉ ngơi gần như bằng không. 

Áp lực hơn cả thi đại học

Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học 2023 - 2024, toàn thành phố Hà Nội có khoảng hơn 100.000 học sinh lớp 9. Chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập dự kiến chiếm hơn 60%. 

Số còn lại sẽ học tại các trường THPT tư thục, các Trung tâm Giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp và hệ giáo dục thường xuyên cấp THPT tại các trường cao đẳng/trung cấp nghề.

Nhiều trường THPT công lập có tiếng ở Hà Nội luôn có tỉ lệ chọi cao ngất ngưởng trong nhiều năm. Chẳng hạn, năm 2022, Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy) có tỉ lệ chọi cao nhất, 1/3,03 (trong số hơn 3 thí sinh sẽ có 1 thí sinh đỗ), tiếp theo đó là Trường THPT Chu Văn An (1/2,87), THPT Sơn Tây (1/2,73), Trường THPT Nhân Chính (1/2,53), Trường THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông (1/2,51), Trường THPT Mỹ Đình (1/2,49)...

Với sự cạnh tranh như vậy, nhiều phụ huynh ví, cuộc chạy đua vào lớp 10 còn căng thẳng, áp lực hơn cả thi đại học.

"Nếu trượt đại học, các con còn có thể thi lại, hay nhiều con đường khác. Với lớp 10, nếu trượt, cách cửa tương lai của các con gần như khép lại" - chị Đỗ Hoài Thu, phụ huynh tại Hà Đông, Hà Nội giãi bày.

Không riêng Hà Nội, gần như khu vực đô thị của bất kỳ tỉnh, thành nào cũng đang xảy ra tình trạng cạnh tranh gay gắt trong kỳ thi tuyển sinh 10 hàng năm. 

Vì đâu nên nỗi?

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam, tại các tỉnh, thành phố lớn như ở Hà Nội, TPHCM,… quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, dân số cơ học tăng nhanh, nhất là khu vực nội thành nên vẫn gây áp lực không nhỏ về chỗ học tập cho học sinh. Do đó, việc các tỉnh thành tổ chức thi tuyển để phân loại học sinh vào các trường khác nhau cấp THPT là điều tất yếu. 

 TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Vương Trần

TS Nguyễn Tùng Lâm nhận định, áp lực của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 không nằm ở số môn thi mà đến từ kỳ vọng của các bậc phụ huynh.

“Phụ huynh luôn mong muốn con mình được vào trường chuyên, lớp chọn. Đây là nguyện vọng chính đáng và không thể cấm cản. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý, những kỳ vọng này đôi khi tạo áp lực, tâm lí lên con trẻ. Đồng thời, dẫn đến tâm lý học đối phó, học sinh đi học vì điểm, học để thi thay vì học để phát triển bản thân"- TS Nguyễn Tùng Lâm phân tích.

Để giảm áp lực kỳ thi tuyển sinh lớp 10, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam cho rằng, đầu tiên, mỗi học sinh, gia đình cần nhìn nhận, tự đánh giá đúng năng lực bản thân, phát hiện thế mạnh riêng thay vì chạy đua vì điểm số, vì thành tích. 

Về phía nhà trường, phải có sự phối hợp chặt chẽ với phụ huynh, làm tốt công tác tư vấn, định hướng, giúp các em lựa chọn nguyện vọng phù hợp với bản thân.

“Về nguyên tắc, đã là cuộc thi thì cần vất vả và cần sự cố gắng. Cố gắng, phấn đấu để đặt mục tiêu đề ra. Cha mẹ hãy luôn động viên các em việc học thật thi thật, không trông chờ việc Sở GDĐT giảm chương trình, giảm số môn thi. Tự bản thân mỗi học sinh hãy nỗ lực để giành những kết quả cao nhất. Và khi đã cố gắng, nỗ lực hết mình nhưng kết quả không được như mong đợi thì cũng phải học cách đón nhận.

Điều quan trọng là hết sức bình tĩnh, tự xem xét, rút kinh nghiệm xem vì sao mình không đạt mục tiêu, tại phương pháp học hay tại chủ quan chưa cố gắng hết mức? Cần cố gắng tìm được đúng nguyên nhân, đặt mục tiêu mới và quyết tâm làm lại từ đầu” – TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn