MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng nhìn nhận về đổi mới giáo dục cần thấu đáo, toàn diện, không sốt ruột nhưng cũng không chậm. Ảnh: PV

Các tỉnh vẫn có thể bắt tay nhau khi chấm chéo bài thi THPT quốc gia

HUYÊN NGUYỄN LDO | 18/09/2018 21:12
"Không nên chấm chéo mà nên có ma trận tổ chức chấm thi để tránh hiện tượng bắt tay nhau giữa các tỉnh. Ma trận chấm thi sẽ phức tạp hơn chấm chéo giữa 2 tỉnh với nhau", bà Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam bày tỏ.

Đề xuất thi trên máy tính, thêm bài phỏng vấn

Sáng 18.9, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “5 năm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo: Thành tựu và thách thức”, với sự tham gia của hơn 400 đại biểu.

Bàn về vấn đề thi, đánh giá năng lực, bà Nguyễn Phương Nga cho hay: Nhìn lại ở Việt Nam, từ năm 1975 đến nay, chúng ta đã 6 lần đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Mỗi lần đạt được kết quả nhất định. Chỉ có năm vừa qua đã xảy ra gian lận điểm thi gây rúng động xã hội.

Tuy vậy, Giám đốc Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam vẫn khẳng định, không thể bỏ được kỳ thi THPT quốc gia vì đây là cơ sở đánh giá năng lực 12 năm của học sinh và là cơ sở dữ liệu để Nhà nước có chủ trương, chính sách quy hoạch đầu tư cho phát triển giáo dục. 

Từ tiêu cực nảy sinh trong quá trình chấm thi THPT quốc gia năm 2018, bà Nga đề xuất cần làm chặt hơn nữa quy chế tuyển sinh, thưởng phạt nghiêm minh đối với những người có trách nhiệm, đồng thời hoàn thiện phần mềm chấm thi. 

"Không nên chấm chéo mà nên có ma trận tổ chức chấm thi để tránh hiện tượng bắt tay nhau giữa các tỉnh. Ma trận chấm thi sẽ phức tạp hơn chấm chéo giữa 2 tỉnh với nhau, nhưng cũng sẽ chặt chẽ, đảm bảo sự công bằng, khách quan hơn", bà Nga nói.

Bà Nga cũng cho biết, từ năm 2021-2023, học sinh học chương trình giáo dục phổ thông mới, nên tổ chức thi 2-3 lần/năm, tổ chức thi chuyên trên máy tính. 

Tại hội nghị, PGS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội - đề xuất, trong tuyển sinh, ngoài năng lực, cần phải có phẩm chất. Chính vì thế, ông Sơn đề xuất tuyển sinh đầu vào đại học có phần phỏng vấn.

Không nên "sốt ruột" trong đổi mới giáo dục

Các kết quả nghiên cứu cho thấy nhiều dấu hiệu khả quan và những xu hướng vận động tốt, nhưng cũng còn rất nhiều thách thức đang đặt ra cần cấp bách giải quyết ở cả tầm vĩ mô và tầm vi mô. 

Theo Bộ trưởng GDĐT Phùng Xuân Nhạ, giáo dục là quá trình đổi mới liên tục và tự thân, là sự nghiệp của toàn dân, hệ thống chính trị, chứ không phải chỉ của riêng Bộ GDĐT.

“Thông thường, một nghị quyết để đi vào cuộc sống cần khoảng 10 năm, 5 năm là thời điểm sơ kết. Bác Hồ từng nói "10 năm trồng cây, trăm năm trồng người". Chúng ta cần có cái nhìn thấu đáo, không sốt ruột nhưng cũng không chậm. Có nhiều việc cần phải giải quyết ngay trước mắt, nhưng nhiều việc phải lâu dài. Nhiều việc đã làm nhưng chưa thể hiện được kết quả”, người đứng đầu ngành giáo dục nói.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay, Bộ sẽ lắng nghe ý kiến, phân tích, đề xuất của chuyên gia, dư luận khi xây dựng các chính sách. Giáo dục được xã hội quan tâm là cơ hội, sự nghiệp phát triển nhanh hay chậm, thành công hay không là phụ thuộc vào các ý kiến của chuyên gia.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn