MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Các trường đại học đồng loạt tăng học phí, Bộ trưởng Bộ GDĐT nói gì?

Vân Trang LDO | 13/09/2022 12:48

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn đã lên tiếng trước thông tin hàng loạt các trường đại học thông báo tăng học phí năm học 2022-2023.

Hàng loạt đại học tăng học phí, có trường tăng kịch trần

Khác với mức học phí ổn định như năm 2021, năm học 2022-2023, hàng loạt trường đại học từ công lập tự chủ đến chưa tự chủ đều điều chỉnh học phí tăng lên theo khung của Nghị định 81. Trong đó, khối trường tự chủ và trường Y dược tăng mạnh từ 30% đến 70% mức học phí.

Chẳng hạn, tại Trường Đại học Y Hà Nội, mức tăng học phí cao nhất là 1,7 lần so với năm ngoái.

Bậc đại học, mức thu cao nhất là ngành Điều dưỡng chương trình tiên tiến với 3,7 triệu đồng/tháng. Ở hệ đại trà, các ngành Răng Hàm Mặt, Y khoa, Y học cổ truyền, Y học dự phòng có mức thu 2,45 triệu đồng/tháng. Các ngành còn lại là Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Khúc xạ nhãn khoa, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Y tế công cộng có mức học phí 1,85 triệu đồng/tháng.

Theo đại diện các nhà trường, mức học phí đưa ra được xây dựng căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành, đồng thời nhằm đảm bảo nguồn lực thực hiện mục tiêu nhanh chóng đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo, tiếp cận nền giáo dục đại học của các nước phát triển trong khu vực.

Tuy nhiên, mức tăng học phí này khiến không ít thí sinh có hoàn cảnh khó khăn chùn bước lựa chọn xét tuyển đại học năm nay và quyết định từ bỏ cơ hội trúng tuyển, tìm lối rẽ khác cho riêng mình.

Học phí đại học năm 2022 sẽ giữ ổn định như năm 2021

Liên quan đến vấn đề học phí, tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm học, bàn phương hướng nhiệm vụ năm học mới, khối giáo dục đại học vừa diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, quan điểm của Chính phủ là: Nghị định 81 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thế Đại.

Bộ GDĐT trình một vài phương án, nhưng khả năng cao chủ trương của Chính phủ là giữ ổn định mức học phí như năm 2021. Tinh thần chỉ đạo là hệ thống giáo dục cần chia sẻ với người dân và xã hội trong tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.

Theo quan điểm của Bộ trưởng, thông tin này được đưa ra như một “dự lệnh” để cơ sở giáo dục đại học chuẩn bị trước tinh thần, bởi không tăng học phí có thể khiến cơ sở giáo dục đại học công lập gặp khó khăn.

Ngoài vấn đề học phí, Bộ trưởng lưu ý tới công tác tuyển sinh. Bên cạnh thực hiện tốt công tác tuyển sinh năm 2022, cần khẩn trương có văn bản hướng dẫn và yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học công bố dự kiến phương án tuyển sinh năm 2025. Bộ GDĐT cũng đang tích cực hoàn thiện phương án thi tốt nghiệp THPT cho năm 2025.

Với nhiệm vụ đối với giáo dục đại học trong năm học mới, Bộ trưởng nhấn mạnh tới việc thực thi pháp luật trong triển khai hoạt động của các cơ sở giáo dục, để triển khai tự chủ đại học theo chiều sâu. Các trường tiếp tục rà soát quy chế nội bộ sao cho phù hợp với các quy định của pháp luật. Kiện toàn các bộ phận, các quy định thẩm quyền chức năng trong các lĩnh vực tài chính, tài sản. Bên cạnh đó, cần tăng cường quản trị đại học.

Nhìn nhận những khó khăn trước mắt, Bộ trưởng cho rằng các trường cần chủ động ứng phó và nỗ lực để mang lại môi trường học tập tốt nhất.

“Khó khăn, thách thức còn rất nhiều ở phía trước, nhưng với tinh thần lường trước khó khăn, tinh thần triển khai tự chủ đại học mang lại sự năng động, sáng tạo, quyết tâm. Hy vọng với tinh thần đang có, cùng với kết quả của những năm vừa qua, các trường đại học sẽ ứng phó được với những khó khăn, thử thách, giữ được đà phát triển của giáo dục đại học trong năm học mới” - Bộ trưởng chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn