MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các ngành kỹ thuật, đặc biệt là Công nghệ thông tin đang được học sinh, phụ huynh quan tâm. Ảnh: Tuệ Nhi

Các trường kinh tế mở thêm nhiều ngành thuộc lĩnh vực kỹ thuật

Bích Hà LDO | 12/01/2024 21:10

Mùa tuyển sinh năm nay đang xuất hiện xu hướng các trường có thế mạnh về đào tạo kinh tế mở thêm các ngành học mới liên quan đến khối kỹ thuật.

Trường Đại học Ngoại thương vừa công bố phương án tuyển sinh năm 2024, trong đó nhà trường cho biết mở ngành Khoa học máy tính thuộc chương trình Khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh.

Trường cũng bắt đầu tuyển sinh ngành Kinh doanh quốc tế thuộc chương trình song bằng với Đại học Queensland, Australia, tại Hà Nội.

Tổng chỉ tiêu dự kiến cho cả trụ sở chính và hai cơ sở TP HCM, Quảng Ninh là 4.130, cao hơn năm ngoái 30.

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) cũng dự kiến mở 6 ngành mới, phần lớn thuộc lĩnh vực kỹ thuật.

Sáu ngành mới gồm Khoa học dữ liệu (thuộc lĩnh vực Toán và thống kê), Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin (lĩnh vực Máy tính và công nghệ thông tin), Quan hệ lao động (lĩnh vực Kinh doanh và Quản lý).

Trong đó, Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo dự kiến tuyển 100 sinh viên mỗi ngành, còn lại 50.

Ngành Quan hệ lao động đào tạo hệ cử nhân, 5 ngành còn lại sẽ có cả hệ cử nhân và kỹ sư.

Chương trình cử nhân thông thường kéo dài 3-4 năm, còn bằng kỹ sư kéo dài thêm khoảng 6 tháng đến một năm.

Theo lý giải của nhà trường, việc mở ngành mới có vai trò quan trọng trong việc đa dạng hóa, đáp ứng nhu cầu xã hội và nâng cao vị thế trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Ngành kỹ thuật là một trong các ngành trọng điểm của nước ta hiện nay. Luôn nhận được sự quan tâm đông đảo của học sinh và các bậc phụ huynh với lượt truy cập tìm hiểu về ngành nghề này rất lớn. Sức ảnh hưởng của ngành kỹ thuật, đặc biệt nhóm ngành liên quan công nghệ thông tin - không chỉ thể hiện qua các mùa tuyển sinh mà còn trong vấn đề tuyển dụng, việc làm. Tuy nhiên trong đào tạo, ngành kỹ thuật có những đặc thù riêng, nhất là liên quan đến việc thực hành chuyên sâu.

Ngoài chương trình học lý thuyết trên lớp thì việc đầu tư cơ sở vật chất, cho sinh viên có cơ hội tiếp xúc với thực tế và thực hành là yếu tố quan trọng trong đào tạo ngành kỹ thuật. Nên việc các trường xưa nay có lợi thế về kinh tế mở thêm ngành đào tạo về kỹ thuật đang gây ra những ý kiến trái chiều.

Trước đây, khi một số ngành như Quản trị kinh doanh, Marketing, Truyền thông, Ngôn ngữ Anh… trở nên “hot”, được học sinh quan tâm, cũng đã xuất hiện xu hướng các trường, kể cả trường kỹ thuật mở những ngành mới này.

Luật Giáo dục Đại học năm 2018 cho phép các trường đại học được tự chủ toàn diện, từ học thuật, tổ chức nhân sự đến tài chính. Các trường được quyền mở ngành mới, chỉ cần đáp ứng được các điều kiện về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, đáp ứng chuẩn chương trình đào tạo của lĩnh vực, nhóm ngành, ngành đào tạo và phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn