MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGS.TS Bùi Hiền cho rằng cách đánh vần trong bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục là chính xác. Ảnh: Đình Tuệ/Vietnammoi

Cách đánh vần tiếng Việt Công nghệ giáo dục: Thăng trầm giữa “đại trà” và “thí điểm”

HUYÊN NGUYỄN LDO | 29/08/2018 07:30

Nhiều chuyên gia nhận định phương pháp dạy học đánh vần theo tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục (TV1-CNGD) đã khiến một số người cảm thấy băn khoăn và có phần lo ngại, thậm chí là chối tai. 

Thăng trầm  giữa “đại trà” và “thí điểm”

Trao đổi về những xôn xao liên quan tới cách đánh vần trong tài liệu TV1-CNGD, ông Nguyễn Đức Hữu, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết chương trình TV1-CNGD của GS Hồ Ngọc Đại nghiêng về ngữ âm học. Hội đồng thẩm định quốc gia đã thẩm định là không sai khi đưa ra một cách tiếp cận mới so với cách của chương trình đại trà hiện hành.

Được biết, CNGD là đề tài nghiên cứu cấp quốc gia của GS Hồ Ngọc Đại, được áp dụng thí điểm từ năm 1978 tại Trường Thực nghiệm (nay là PTCS Thực nghiệm) Hà Nội dưới sự quản lý, giám sát của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Từ đó đến năm 1985, chương trình được mở rộng ra các tỉnh có nhu cầu. Đến năm 1990, đề tài của GS Đại được nghiệm thu, thành lập Trung tâm công nghệ giáo dục, chương trình này bắt đầu chuyển sang giai đoạn đại trà, thực hiện ở 43 tỉnh thành tính đến năm 2000.

Đến năm 2001, CNGD phải dừng lại do quy định một chương trình, một bộ sách giáo khoa cùng với việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2000, tức là áp dụng chương trình tiếng Việt hiện hành.

Năm 2008, Lào Cai là tỉnh duy nhất ở phía Bắc cùng với 5 tỉnh phía Nam tiếp tục quay lại chương trình này. Đến nay đã có 50 tỉnh thành với hơn 800.000 học sinh theo học TV1-CNGD.

Cần rút kinh nghiệm trong truyền thông

PGS.TS Bùi Hiền - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, tác giả đưa ra đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ cách đây gần một năm đánh giá, cách đánh vần trong bộ sách TV1-CNGD khiến nhiều người phản ứng như vậy là điều bình thường.

"Khi những chữ vốn đã quen thuộc nay có cách đọc khác đi sẽ khiến người ta thấy rất trái tai, thậm chí chối tai nên họ không chấp nhận. Tôi cho rằng, khi nhiều người không chấp nhận cách đọc này cũng một phần bởi tâm lý bảo thủ của ý thức. Khi có thói quen thành thạo đó rồi thì không ai muốn thay đổi thói quen đó cả. Thói quen đó vẫn hình thành và phát huy trong hoạt động của người ta", ông Hiền bày tỏ.

 Luật chính tả trong sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục. Ảnh: Huyên Nguyễn

Theo PGS.TS Bùi Hiềnvề hệ thống âm vị của GS Hồ Ngọc Đại là hoàn toàn chính xác, đặc biệt là âm vị của người Hà Nội. 

Về chữ, GS Đại vẫn giữ nguyên hệ thống chữ để ghi các âm đó. Tức là 3 âm "c", "k", "q" giờ không đọc theo kiểu cũ nữa mà đọc theo cách mới là /cờ/. Đây là cách đọc hoàn toàn chính xác. 

"Theo tôi, cách đọc chữ TV1-CNGD của GS Hồ Ngọc Đại gần như không làm thay đổi số lượng chữ cái của bảng chữ cái Tiếng Việt hiện hành. Có chăng, những phản ứng của một bộ phận dư luận khi thấy cách đọc được đổi mới thì đều khá gay gắt", ông Hiền nhận định.

PGS-TS Bùi Hiền nhấn mạnh: Việc cải tiến chữ quốc ngữ chỉ nhằm mục đích điều chỉnh bảng chữ cái hiện hành dựa trên hệ thống ngữ âm cho tiếng thủ đô Hà Nội. Công việc này không tác động vào hệ thống âm vị làm tiếng nói khác đi, dẫn đến ý nghĩa khác đi như một số ý kiến nêu ra trong thời gian vừa qua.

Rút kinh nghiệm từ những ồn ào vừa qua, PGS-TS Bùi Hiền cho rằng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về nội dung tài liệu. Khi phụ huynh và xã hội đã hiểu thì sẽ không xảy ra những ồn ào không đáng có.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn