MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cùng với các giờ học trên trường, phụ huynh nên đồng hành cùng con trong các hoạt động học tập ở nhà. Ảnh: Hải Nguyễn

Cách giúp con "chữa bệnh" lười học không cần đòn roi, quát mắng

ÁI VÂN LDO | 12/09/2023 12:00

“Rát cổ bỏng họng” thúc giục nhưng con vẫn lười học, thiếu tập trung khiến không ít cha mẹ bực bội, thậm chí đánh mắng để răn đe con. Tuy nhiên theo chuyên gia tâm lý, đòn roi, mắng mỏ không phải là cách hiệu quả để con tự giác học tập.

“Đau đầu” vì con lười học

Là cha mẹ, ai cũng mong muốn con mình học hành chăm chỉ, đạt thành tích tốt. Nhưng trên thực tế, không phải trẻ nào cũng có ý thức tự giác học tập, đa phần thường thích chơi hơn thích học, lười làm bài tập về nhà. Ngay cả khi phải ngồi vào bàn học do bị cha mẹ thúc giục, ép buộc, việc tiếp thu kiến thức cũng không đạt hiệu quả cao do trẻ thiếu hứng thú, mất tập trung.

Các bậc cha mẹ sau một ngày dài làm việc mệt mỏi tại công sở, về nhà lại phải “rát cổ bỏng họng” giục giã, kèm con học bài nhưng dạy mãi mà con không hiểu, học trước quên sau nên rất dễ bực bội, nổi nóng, thậm chí dùng đòi roi để dọa nạt, răn đe con.

Thạc sĩ Khoa học Giáo dục, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh (Học viện Minh Trí Thành) cho biết, con lười học là vấn đề khiến nhiều cha mẹ “đau đầu”.

Có những bậc phụ huynh than phiền với bà Lanh: “Tối nào em cũng ngồi kè kè bên cạnh thì con mới chịu học, nhưng chỉ được một tí đã kêu chán, mệt, nhìn trước ngó sau, chẳng chú tâm gì cả”, “Ngày nào em cũng phải giục con học như hò đò. Em thử đủ cách rồi, từ khuyên nhủ đến ép học, quát mắng mà cũng chẳng ăn thua”…

Theo chuyên gia Nguyễn Thị Lanh, cha mẹ cần biết cách khơi gợi động lực học tập cho con. Ảnh: Ái Vân

Theo bà Lanh, giám sát con học, quát mắng, đòn roi đều không phải những cách hiệu quả giúp con chăm chỉ, tự giác học hành. Một đứa trẻ khi bị cha mẹ ép ngồi vào bàn học, kèm cặp từng ly từng tí thường cảm thấy lo lắng, căng thẳng do sợ làm sai, nói sai sẽ bị mắng. Chưa kể, lâu dần trẻ trở nên thụ động, chỉ học khi có người thúc giục, giám sát bên cạnh. Còn mắng mỏ, đòn roi có thể giúp trẻ tập trung, chú ý ngay lúc đó nhưng không làm trẻ hứng thú với việc học, mà chỉ khiến trẻ sợ hãi, gia tăng áp lực tâm lý.

Bí quyết thay đổi những đứa trẻ lười học

Theo ThS Nguyễn Thị Lanh, ở sâu trong tâm thức của cha mẹ thường có những nỗi lo sợ như học kém sau này sẽ khổ, nghèo, thất bại… Hành vi lười học của con chính là bối cảnh kích hoạt những nỗi sợ đó, khiến cha mẹ dễ nổi nóng với con.

Vì vậy, nếu con lười học, trước tiên cha mẹ hãy thật sự kiên nhẫn, bình an. Chỉ khi cha mẹ bình an thì mới có thể nhẹ nhàng đồng hành cùng con trên chặng đường học tập, không tức giận khi mất tập trung, không đòn roi nếu con làm bài sai, lười học. Từ đó, con được học hành trong tâm thế thoải mái, không phải sợ sệt, âu lo.

Bà Lanh cho rằng, điều cha mẹ cần làm không phải là giám sát con từng buổi học hay sử dụng các biện pháp trừng phạt mà là cần khơi gợi cho con động lực, cảm hứng học tập để con tự giác hình thành thói quen học tập tốt.

Cha mẹ nên giúp con tìm ra những hình mẫu thành công trong cuộc sống, khiến con ước mơ rằng mai sau mình sẽ trở thành người như thế. Sau đó, phân tích để con hiểu học tập chính là để trang bị kiến thức, giúp con hiện thực hóa ước mơ, lớn lên trở thành người thành công và sống có giá trị. Khi có mục tiêu, ước mơ, con sẽ có động lực để học tập một cách chăm chỉ, hiệu quả nhất.

Nữ chuyên gia tâm lý phân tích, những thế hệ trước đây, bên cạnh việc học thì còn phải làm ruộng, cấy, gặt… Thấy nghề nông vất vả quá nên nhiều người quyết tâm phải học thật giỏi để sau này “thoát ly”, sung sướng hơn. Ngày nay, có những đứa trẻ ở vùng quê nghèo, bố mẹ chẳng có thời gian bảo ban, thúc giục học hành nhưng các em vẫn chăm chỉ, tự giác học tập. Đó là bởi các em có nội động lực rất lớn, tin rằng việc học sẽ giúp mình thoát nghèo, thay đổi cuộc sống nên luôn nỗ lực để đạt được nó.

“Lười học, không có động lực học là do nhiều trẻ em bây giờ sống trong điều kiện đủ đầy, không phải chịu đựng những vất vả, thiếu thốn nên không biết học để làm gì, không có lý do đủ lớn để nỗ lực. Nếu cha mẹ khơi gợi được khát khao, ước mơ cho con thì sẽ kích hoạt được tinh thần chủ động, tự giác học tập của con”, bà Lanh nói.

Nữ chuyên gia tâm lý cũng khuyên phụ huynh không nên chỉ chăm chăm bắt con học, mỗi ngày hãy cho con làm việc nhà hoặc phụ giúp bố mẹ trông em, buôn bán… Điều này sẽ giúp trẻ biết quý trọng thời gian, khi học hành sẽ nghiêm túc, chuyên tâm hơn là để trẻ có thời gian dông dài, dễ xao nhãng, không tập trung lúc học.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn