MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo viên trông đợi vào việc cải cách tiền lương. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Cải cách tiền lương từ 1.7.2024 kỳ vọng xóa bỏ bất cập xếp lương giáo viên

Trang Hà LDO | 28/11/2023 22:25

Giáo viên mong việc cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27/NQ-TW sẽ tạo động lực cống hiến, xóa bỏ những bất cập, hạn chế của việc xếp lương hiện nay.

Căn cứ theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, giáo viên là đối tượng được thực hiện cải cách tiền lương dự kiến từ 01.7.2024.

Theo đó, giáo viên sẽ được trả lương theo bảng lương mới. Cụ thể, cơ cấu tiền lương mới sau cải cách của giáo viên sẽ gồm 3 bộ phận là lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng. So với hiện nay, lương giáo viên trong khu vực công sẽ được bổ sung thêm tiền thưởng.

Đồng thời, việc trả lương của giáo viên là viên chức sẽ không thực hiện theo "hệ số x mức lương cơ sở" như hiện nay mà thay thế bằng các bảng lương theo vị trí việc làm, có con số cụ thể, đảm bảo không thấp hơn lương hiện nay đang được hưởng, cụ thể:

Một bảng lương chức vụ dành cho giáo viên giữ chức vụ lãnh đạo trong trường học như hiệu trưởng, phó hiệu trưởng…

Một bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng với giáo viên không giữ chức danh lãnh đạo. Bảng lương này sẽ bao gồm nhiều bậc lương và những người làm cùng mức độ phức tạp công việc thì lương bằng nhau, giáo viên sẽ được hưởng lương cao hơn nếu có điều kiện lao động cao hơn…

Cô Thanh Thủy - giáo viên bậc mầm non tại Bắc Giang - cho rằng, bảng lương mới là tín hiệu đáng mừng, xóa bỏ nhiều bất cập trong lương giáo viên.

"Nhiều trường hợp hiệu phó lương cao hơn hiệu trưởng do chuyển đổi vị trí công tác nhiều lần, được tăng lương trước thời hạn. Hay các giáo viên trẻ phải làm nhiều công việc, năng suất lao động cao hơn nhưng lương quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống dẫn đến bỏ nghề. Hay cùng một vị trí việc làm, cùng công việc, trách nhiệm và áp lực như nhau nhưng lương lại khác nhau do chia hạng giáo viên.

Do đó, thông tin cải cách tiền lương theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc khiến giáo viên chúng tôi hết sức vui mừng, hy vọng lương sẽ cân bằng và khoa học hơn" - cô Thủy kỳ vọng.

Là người có thâm niên với nghề giáo, cô Nguyễn Thị Mai Loan - giáo viên Trường THPT Chuyên Bắc Ninh không khỏi bồi hồi khi nhớ lại giai đoạn mới ra trường. Với đồng lương còn thấp so với mức sống của xã hội, bản thân cô phải đi dạy thêm những bạn nhỏ tiểu học để trang trải.

Rồi đến nay, chứng kiến thực tế nhiều thầy giáo, cô giáo lên lớp là phụ mà làm nghề tay trái là chính: bán hàng online, bán bảo hiểm… để đảm bảo cuộc sống, nữ giáo viên không khỏi xót xa.

Vì vậy, cô Mai Loan kỳ vọng vào đợt cải cách lương năm 2024, hy vọng bảng lương mới sẽ giúp giáo viên giảm bớt gánh nặng cơm áo gạo tiền, tạo động lực cho thầy cô chuyên tâm giảng dạy.

Cô Hoàng Thị Hằng - giáo viên Trường Mầm non Nghi Ân (Nghệ An) cũng không giấu nổi niềm vui khi nghe tin thu nhập tăng vào tháng 7.2024. Cô hy vọng chính sách sớm được thực hiện để tạo sự công bằng trong cách xếp lương, giáo viên có thể sống được bằng lương, ổn định cuộc sống và yên tâm công tác với nghề.

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW, khi thực hiện cải cách tiền lương, mức lương mới của giáo viên sẽ không thấp hơn mức lương hiện hưởng.

Đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của giáo viên cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp. Đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của giáo viên phải bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn