MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
6 tháng sau bài bài viết trên Báo Lao Động, giờ đây Đặng Văn Hanh đã trở thành sinh viên ngành công nghệ thông tin của hai trường đại học. Ảnh: Sơn Tùng

Cái kết đẹp cho câu chuyện về nghị lực của thí sinh liệt nửa người

Đặng Chung - Sơn Tùng LDO | 31/12/2018 21:45

Đặng Văn Hanh chăm chú nhìn vào màn hình máy tính, bàn tay trái vừa di chuột, vừa thao tác thoăn thoắt trên bàn phím. Chỉ 6 tháng trước, cậu vẫn bỡ ngỡ khi lần đầu làm quen với nó.

Hanh là nhân vật trong bài viết “Cha và con trên chiếc xe chở ước mơ” đăng tải trên Báo Lao Động vào tháng 6.2018.

6 tháng trôi qua, kể từ khi câu chuyện về nghị lực của thí sinh bị liệt nửa người và tình yêu của người cha dành cho con được đăng tải, cuộc sống của Hanh có nhiều thay đổi.

 Hình ảnh về nghị lực của Đặng Văn Hanh đăng tải trên Lao Động.
 

“Bây giờ, không có lý do gì để em nói hai từ “bỏ cuộc”!"

Những ngày cuối năm 2018, chúng tôi gặp lại Đặng Văn Hanh trong căn nhà của gia đình cậu ở phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), dù vẫn thường xuyên liên lạc với Hanh qua mạng xã hội - khi cậu báo tin đỗ đại học, hay được tài trợ học bổng để theo đuổi ước mơ thành lập trình viên.

Hanh giờ đây đã là tân sinh viên và đang tất bật với lịch học, lịch thi dày đặc ở hai ngôi trường - Đại học FUNiX và Đại học Tài chính Ngân hàng Hà Nội. Còn ông Đặng Văn Kiểm - bố của Hanh - vẫn hằng ngày lặng lẽ theo sau con, dõi ánh mắt về hướng chiếc xe lăn đang đi giữa dòng xe tấp nập. 

“Người bình thường theo học hai trường đại học cùng một lúc đã vất vả, với người khuyết tật như Hanh thì càng khó khăn bộn bề. Nhưng em nó vẫn như xưa, hiếu học lắm. Dù nắng, dù mưa, Hanh cũng không bỏ buổi học nào. Thấy con ham học và nghị lực như thế, vợ chồng tôi luôn tự nhủ dù khó khăn thế nào cũng phải lo cho con đi học” – miệng kể chúng tôi nghe, nhưng ông Kiểm hướng ánh mắt về phía Hanh đầy tự hào.

Hiện tại, việc học của Hanh khá vất vả. Ngành học mà Hanh đang theo đuổi đòi hỏi phải thao tác nhiều trên máy tính, trong khi cậu chỉ còn bàn tay trái có thể cử động.

“Nếu vì khiếm khuyết cơ thể mà dừng lại, thì em đã bỏ cuộc từ ngày học cấp 2, cấp 3 rồi”; “Bây giờ, không có lý do gì để em nói hai từ "bỏ cuộc" nữa”… những dòng tin Hanh gửi cho chúng tôi được cậu gõ bằng bàn tay trái ấy.

Để không ai bị bỏ lại phía sau

Ngược thời gian trở về những ngày tháng 6.2018, chúng tôi gặp hai cha con Hanh vào đúng những ngày Hà Nội nóng như đổ lửa. Hanh cùng hàng triệu sĩ tử trên cả nước bước vào kỳ thi quan trọng của đời học sinh - thi THPT quốc gia.

Trong những ngày đi tác nghiệp, chúng tôi bị ấn tượng bởi hình ảnh người cha già chở con bị liệt nửa người, ân cần bế con lên phòng thi. Càng cảm phục hơn khi được trò chuyện và nghe câu chuyện "tình yêu của cha là nghị lực cho con" của bố con Hanh.

Sau khi những bài viết về nghị lực của thí sinh bị liệt nửa người được đăng tải, chúng tôi đã nhận được rất nhiều cuộc điện thoại nhờ kết nối để có thể hỗ trợ cho Đặng Văn Hanh.

Sự lan tỏa của bài báo, câu chuyện “Cha và con trên chiếc xe chở ước mơ” cũng là động lực cho chính những người cầm bút chúng tôi viết thêm những câu chuyện đẹp của cuộc sống.

 

Đáng lẽ câu chuyện về cha con Hanh đã khép lại trên báo, khi nhiều lần thuyết phục, chúng tôi không nhận được cái gật đầu  phỏng vấn của lãnh đạo, giảng viên, cũng như nhân viên ở Đại học trực tuyến FUNiX – những người đã liên hệ với chúng tôi để xin cấp học bổng toàn phần, bỏ tiền túi của mình để mua máy tính giúp Hanh học tập và cam kết đồng hành cùng em trên chặng đường sắp tới. Bởi họ cho rằng, việc làm của họ là đương nhiên, để không ai bị bỏ lại phía sau trong thời đại 4.0 này.

Nhưng chúng tôi vẫn quyết định khép lại năm 2018 bằng cái kết đẹp cho câu chuyện nghị lực của thí sinh bị liệt nửa người và hy vọng chuyện của Hanh có thể truyền nghị lực cho những hoàn cảnh chưa may mắn khác.

Dù con đường trở thành lập trình viên của Hanh còn nhiều chông gai, nhưng giờ đây không chỉ có cha đồng hành, mà còn rất nhiều đôi chân, bàn tay phải, nhiều người góp một phần nhỏ bé để cùng Hanh viết tiếp câu chuyện cổ tích thời nay. Để những người kém may mắn thấy rằng họ sẽ không cô đơn, không bị bỏ lại phía sau.

Đặng Văn Hanh trong buổi sinh hoạt với đội ngũ cán bộ và những học viên của Đại học Funix.

“Ngay sau khi đọc những bài viết trên Báo Lao Động về hoàn cảnh của em Đặng Văn Hanh, chúng tôi quyết định trao học bổng toàn phần cho em.

Chúng tôi cảm ơn báo chí vì đã viết về câu chuyện của những em học sinh kém may mắn nhưng khát khao học tập. Quan trọng nhất là câu chuyện về nghị lực của Hanh đã gợi cảm hứng cho chúng tôi và tất cả chúng ta nỗ lực, cố gắng hơn nữa trong công việc của mình"– ông Nguyễn Thành Nam - đồng sáng lập Tập đoàn FPT và Đại học Funix chia sẻ.

Theo đánh giá của Phương Thảo (cán bộ hỗ trợ sinh viên của Trường Đại học FUNiX), dù Đặng Văn Hanh thiệt thòi hơn bạn bè khi bị khiếm khuyết cơ thể, chỉ sử dụng được máy tính bằng 1 tay, nhưng tinh thần tự học của Hanh rất cao. Hanh đã truyền nghị lực cho sinh viên của trường và  nhiều hoàn cảnh chưa may mắn khác lạc quan hơn, nỗ lực hơn trong chặng đường theo đuổi ước mơ của mình. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn