MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sinh viên ngậm ngùi vì tốt nghiệp bằng giỏi nhưng không tìm được việc làm. Ảnh minh hoạ: Bích Ngọc

Cầm bằng đỏ trên tay, sinh viên lau nước mắt vì không tìm được việc làm

Trà My LDO | 12/11/2023 20:26

Nỗ lực ganh đua đạt điểm cao, giành giật học bổng, kiếm bằng giỏi. Nhưng đến khi ra trường, nhiều sinh viên ngậm ngùi vì không kiếm được việc làm.

Tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân đại học loại giỏi nhưng Mai Thị Ngọc - sinh viên của ngành Quản trị nhân lực tại một trường đại học tại Hà Nội cảm thấy bất lực vì không tìm được công việc đúng chuyên ngành.

Mặc dù được người quen giới thiệu làm việc tại một số địa chỉ nhưng khi đến nơi Ngọc đều bị từ chối bởi chưa phù hợp với yêu cầu công việc.

“Chọn được nơi làm việc theo ý muốn thì bên tuyển dụng lại đòi hỏi nhiều kĩ năng cũng như tiêu chuẩn khắt khe. Trong quá trình học đại học em cũng rất cố gắng để trau dồi các kiến thức cũng như kỹ năng mềm khác mà vẫn không thể được chấp nhận” - Ngọc ngậm ngùi.

Mất phương hướng, động lực ngay khi ra trường cộng thêm áp lực về tài chính, Ngọc đành ngậm ngùi xin làm nghề phục vụ tại một nhà hàng.

“Tính đến thời điểm hiện tại, em ra trường đã được một năm. Em xin làm nhân viên phục vụ tại nhà hàng với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Công việc này bắt đầu từ 8h sáng đến 22h tối mới kết thúc. Bên cạnh áp lực công việc mệt mỏi, em cũng phải chịu áp lực từ khách hàng, chủ quán” - Ngọc chia sẻ.

Tương tự như Ngọc, em Lê Thuỳ Linh - sinh viên vừa tốt nghiệp ngành Kế toán của một trường đại học tại Hà Nội cũng đang phải chật vật xin việc làm với tấm bằng loại giỏi.

“Từ khi là sinh viên, em xác định phải cố gắng phấn đấu học tập, đạt bằng giỏi khi ra trường, em luôn nghĩ có bằng loại giỏi thì sẽ được ưu ái và là điều kiện quan trọng để các nhà tuyển dụng được cân nhắc.

Sau khi xin việc thì em nhận thấy tấm bằng đại học lại không hề quan trọng và có giá trị nhiều” - Thuỳ Linh thẳng thắn nói.

Cũng theo Linh, phải mất 4 năm đại học để lấy bằng loại giỏi, chi trả nhiều khoản phí ăn học nhưng khi xin việc lại không được coi trọng, điều này khiến Linh thấy rất đáng tiếc.

“Em cũng nộp hồ sơ xin việc tại nhiều công ty nhưng không có phản hồi. Thậm chí em đến tận nơi để xin ứng tuyển thì cũng bị bác bỏ với rất nhiều lí do như: Thiếu kinh nghiệm, sinh viên ra trường thường non kém… Cầm tấm bằng đại học mình dành nhiều công sức, em phải lau nước mắt vì không kiếm được việc làm như mong muốn” - Thuỳ Linh nghẹn ngào.

Chia sẻ về dự định sắp tới, Linh cho biết đang phân vân giữa phương án ở lại thành phố và về quê.

“Nếu không may mắn tìm được công việc mong muốn, em sẽ xem xét tới việc về quê, xin vào làm thêm chân tay tại công ty gần nhà. Dù biết lựa chọn này rất khó khăn và khiến gia đình buồn lòng nhưng em không còn lựa chọn nào khác” - Linh cho biết.

Trước tranh luận về thực trạng sinh viên tốt nghiệp đại học bằng giỏi nhưng ra trường không tìm được việc, hoặc không đáp ứng yêu cầu công việc, dưới góc độ của nhà tuyển dụng, bà Đinh Thị Dung - Giám đốc Công ty Cổ phần Học viên Nhân lực SkyTeam nhận định, thời điểm này, việc tuyển dụng nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao rất khó khăn.

Với nhóm đối tượng sinh viên mới ra trường - các em thường có nhiều năng lượng, dễ dàng hoà đồng nhưng đôi khi cũng có một số các nhược điểm cần khắc phục: Tự tin thái quá, thiếu kinh nghiệm...

Bên cạnh đó, các nhà tuyển dụng luôn muốn tìm kiếm những người có định hướng tương lai rõ ràng, có ý chí phấn đấu. Song, thực tế đa số sinh viên mới ra trường đều mông lung về tương lai - đây là điểm yếu rất lớn của nhóm đối tượng này, dễ gây ảnh hưởng tới công việc.

"Khó khăn chung hiện tại là các bạn sinh viên mới ra trường luôn trong tâm thế đi tìm việc, nhưng chưa định hướng cho mình tìm việc gì, chưa khai thác khả năng của các bạn trong công việc đó.

Khi đi một con đường, các bạn không có mục tiêu, sẽ không thể biết đích đến của mình. Ngược lại, nếu mục tiêu vạch ra rõ ràng, bạn sẽ tìm mọi cách: Học tiếng Anh, trau dồi kĩ năng để đạt được hiệu quả" - bà Dung khẳng định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn