MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cơ quan cảnh sát điều tra bắt tạm giam cán bộ Sở GDĐT Sơn La thực hiện nâng bài, sửa điểm.

Cán bộ “tiếp tay” gian lận khiến quy trình chấm thi bị vô hiệu hóa

Đặng Chung LDO | 17/02/2019 19:00
Những cán bộ được giao nhiệm vụ thực hiện và bảo vệ kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Sơn La lại chính là những người bắt tay nhau để gian lận, gây nên một kỳ thi thiếu công bằng.

Nâng điểm bài thi có tổ chức

Diễn biến mới vụ gian lận thi cử tại Sơn La, ngày 16.2, Công an tỉnh Sơn La đã ra quyết định khởi tố ông Đỗ Khắc Hưng (54 tuổi, cựu trung tá, cán bộ phòng An ninh chính trị nội bộ - PA83, Công an tỉnh Sơn La) về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Theo đó, với nhiệm vụ được phân công là bảo vệ phòng chứa các bài thi, ông Đỗ Khắc Hưng đã thông đồng, tiếp tay cho một số đối tượng liên quan tới vụ án này bằng cách mở khóa phòng chứa bài thi cho các đối tượng vào sửa chữa điểm cho thí sinh.

Với diễn biến mới này, vụ án gian lận điểm thi ở Sơn La đã có đến 7 cán bộ bị khởi tố bị can.

Theo đó, ông Trần Xuân Yến – Phó GĐ Sở GDĐT Sơn La - được phân công là ủy viên Ban chỉ đạo; phó chủ tịch hội đồng thi; tổ trưởng tổ xử lý bài thi trắc nghiệm. Quá trình chỉ đạo thực hiện xử lý bài thi trắc nghiệm, Trần Xuân Yến đã cho phép cán bộ cấp dưới sửa bài thi, nâng điểm cho thí sinh.

Qua đấu tranh khai thác, cơ quan điều tra đã xác định Trần Xuân Yến, Nguyễn Thị Hồng Nga, Đặng Hữu Thủy, Cầm Thị Bun Sọn, Lò Văn Huynh, Nguyễn Thanh Nhàn có hành vi sửa bài thi trắc nghiệm, thay đổi kết quả thi của khoảng 44 thí sinh và nâng điểm bài thi tự luận cho nhiều thí sinh đã được “nhờ giúp đỡ”. Hiện đã xác định được tên, số báo danh của những thí sinh này.

Theo đánh giá của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La, vụ án hình sự “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” về những sai phạm tại Hội đồng thi THPT quốc gia năm 2018 tỉnh Sơn La  là vụ án rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến công tác tổ chức thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La. Dư luận xã hội rất quan tâm và bức xúc vì việc tẩy xóa, nâng điểm bài thi có tổ chức, có sự tính toán chặt chẽ do người có chức vụ quyền hạn thực hiện.    

This browser does not support the video element.

Clip cơ quan chức năng đọc quyết định khởi tố bị can với các đối tượng thực hiện sửa điểm thi ở Sơn La

Cán bộ bảo vệ kỳ thi thông đồng, quy chế thi dễ bị vô hiệu hóa

Theo quy chế thi THPT quốc gia năm 2018, việc chấm trắc nghiệm phải thực hiện trong khu vực khép kín. Ngoài các cán bộ chấm thi, khu vực thi luôn có thanh tra, cán bộ của các trường đại học và công an giám sát, bảo vệ 24/24 giờ; không được sửa chữa, thêm bớt vào bài thi trắc nghiệm của thí sinh với bất kỳ lý do gì.

Quy định là vậy, nhưng từ những vụ việc gian lận thi cử, có thể thấy một khi các cán bộ làm công tác thi, bảo vệ kỳ thi đã thông đồng, bắt tay nhau, thì quy chế có chặt chẽ đến mấy cũng bị “vô hiệu hóa”.

Chỉ còn khoảng 4 tháng nữa một kỳ thi THPT quốc gia sẽ bắt đầu. Những nỗi đau, sự bất bình về việc gian lận điểm thi của kỳ thi trước vẫn chưa nguôi.

Phụ huynh cả nước vẫn quan tâm đến số phận các học sinh gian lận điểm thi, cũng như quy trình tổ chức thi sẽ được Bộ GDĐT sửa đổi ra sao để ngăn chặn được việc gian lận thi cử?

Về điều này, ông Mai Văn Trinh- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết, quy chế thi THPT quốc gia 2019 sẽ có một số thay đổi theo hướng siết chặt hơn công tác tổ chấm thi. Đối với chấm bài thi trắc nghiệm, thay vì giao cho các Sở GDĐT thực hiện như trước, Bộ GDĐT sẽ giao nhiệm vụ cho các trường đại học.

Cũng theo ông Trinh, cho dù quy trình nghiêm ngặt, nếu con người không nghiêm túc, có ý định sai phạm từ trước thì nguy cơ để xảy ra tiêu cực thi cử là vẫn còn. Vì vậy, bên cạnh điều chỉnh về mặt kỹ thuật, Bộ GDĐT sẽ phối hợp với Bộ Công an ngay từ khâu tuyển chọn, tập huấn công tác thi cho cán bộ để phòng ngừa tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn