MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Ảnh minh hoạ: Huyên Nguyễn

Cần đặt chứng chỉ IELTS đúng vị trí để tạo công bằng trong tuyển sinh

Huyên Nguyễn LDO | 18/10/2021 17:46

Năm 2021, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trở thành “tấm vé” đặc biệt giành suất vào những ngôi trường mơ ước. Tuy nhiên, chính từ cuộc đua IELTS đang “sốt” lại khiến chúng ta cần chậm lại để nhìn nhận về sự bình đẳng trong tuyển sinh và ngay cả trong chính các loại chứng chỉ mặc dù vẫn được đánh giá là tương đương.

Mối lo về một cuộc đua đầy áp lực

Trước “cơn sốt” IELTS như hiện nay, trong các loạt bài trước, Lao Động đã đề cập tới việc không ít phụ huynh cố tìm cho con một lớp luyện IELTS từ mẫu giáo, cấp 1 để nhận được cú lừa "treo đầu dê bán thịt chó". 

Mới đây, phát ngôn của một học sinh trong một chương trình truyền hình tiếp tục “đổ thêm dầu vào lửa” cho cuộc tranh luận về xét tuyển đầu vào bằng chứng chỉ ngoại ngữ. "Việc đưa chứng chỉ ngoại ngữ vào xét tuyển đại học là rất thực tiễn, cần thiết cho công tác tuyển dụng sau này. Bởi ông chủ của bạn sẽ thích điều này hơn là điểm 10 Toán, Lý, Hóa, Sinh" - nữ sinh này bày tỏ.

Tuyển sinh kết hợp các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đang là phương thức được nhiều trường đại học top đầu sử dụng để tuyển đầu vào, đặc biệt với những trường, ngành học cạnh tranh. Hiện đã có khoảng 30 trường đại học lớn trên cả nước ưu tiên xét tuyển và xét tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS, TOEFL hoặc đưa chứng chỉ ngoại ngữ thành yếu tố trong các phương thức xét tuyển kết hợp.

Sau năm 2021, nhiều thí sinh trượt “ấm ức” vì điểm cao nhưng vẫn không giành vé bởi số chỉ tiêu đã chia bớt cho những bạn điểm thi thấp hơn nhưng xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ. Theo thống kê của Trường Đại học Y Hà Nội, năm 2021, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển kết hợp IELTS vào trường cao gấp hơn 5 lần chỉ tiêu. Trong khi đó, thí sinh tuyển sinh vào Trường Đại học Y Dược TPHCM cũng nộp hồ sơ xét chứng chỉ gấp 3, 6 lần chỉ tiêu…

Tới đây, tuyển sinh năm 2022 được dự đoán là sẽ có thêm cuộc đua về chứng chỉ. Điều này vô hình trung tạo ra sự bất bình đẳng giữa các đối tượng thí sinh giữa các vùng miền khác nhau bởi không phải thí sinh nào cũng có điều kiện tiếp cận những chứng chỉ này.

Theo chị Nguyễn Thị Thanh Hương - giáo viên dạy Tiếng Anh tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI thừa nhận, có một cơn sốt về chứng chỉ IELTS. Theo chị Hương, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) công bố điểm thi IELTS có thể thay cho điểm thi môn tiếng Anh và tùy từng trường sẽ có quy đổi tương ứng, một số ngành có thêm IELTS thành điều kiện xét tuyển… thì tạo cho học sinh có thêm một cơ hội, một cách thức xét tuyển mới vào trường đại học. Tuy nhiên, không phải vì thế mà phụ huynh, học sinh phải chạy theo IELTS một cách mù quáng.

“Có IELTS là một lợi thế nhưng không phải bắt buộc. Nhiều phụ huynh, học sinh tự tạo áp lực để chạy theo tấm chứng chỉ IELTS. Không phải em nào cũng phù hợp để luyện thi chứng chỉ này, nếu ép quá có thể dẫn đến phản tác dụng. Cùng với đó, chi phí để học và thi là một khoản tiền lớn. Bố mẹ cần ngồi lại và trò chuyện cùng con để phương pháp phù hợp nhất. Tôi cho rằng, việc học tốt kiến thức trên lớp, dành thời gian ôn luyện đúng phương pháp thì học sinh vẫn có thể vào đại học bằng đúng năng lực của mình” - chị Hương chia sẻ.

Công bằng giữa các thí sinh và các loại chứng chỉ

Về vấn đề này, TS Ngô Minh Hải - tốt nghiệp Tiến sĩ tại Đại học Trier, CHLB Đức, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định - cho rằng, hệ thống chứng chỉ ngoại ngữ đã quy định rất rõ: Việt Nam có chứng chỉ ngoại ngữ 6 bậc và nước ngoài có chứng chỉ IELTS, TOEFL và một số chứng chỉ tương đương. Như vậy, việc nhiều trường chỉ sử dụng một số chứng chỉ quốc tế thôi thì đang đi ngược một chủ trương rất đúng.

“Các trường có quyền lựa chọn chứng chỉ mà mình cảm thấy uy tín nhưng nếu không phù hợp sẽ dẫn đến hệ quả không công bằng trong tuyển sinh, bỏ lọt nhân tài. Nếu sử dụng đa dạng chứng chỉ, cả trong và ngoài nước thì thí sinh có nhiều lựa chọn và những lựa chọn này đều được công nhận tương đương nhau” - ông Hải nhận định. 

Về vấn đề chất lượng chứng chỉ không đồng đều, ông Hải cho biết thêm, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm kiểm soát, đảm bảo chất lượng tương đương giữa các loại chứng chỉ. Chứng chỉ IELTS dừng ở việc một chứng chỉ tiếng Anh do một trung tâm uy tín cấp, chứ không thay thế cho hệ thống chứng chỉ.

TS Ngô Minh Hải cho rằng, cần công bằng giữa các loại chứng chỉ để thí sinh có thể tiếp cận tuỳ thuộc khả năng của mình. 

Ông Hải nhấn mạnh rằng, nếu chạy theo chứng chỉ IELTS hay một chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nào khác cũng sẽ có thể bỏ lọt nhân tài bởi vì không phải ai điều kiện để tiếp cận tri thức đó. Bản chất tuyển sinh đại học thì cần có năng lực học tập, tư duy, kỹ năng để chứng minh khi học tại trường vì thế chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế chỉ là phần nào đó thôi. Với cách tuyển sinh hiện nay của nhiều trường, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đang chiếm trọng số khá lớn khiến ảnh hưởng đến các phần còn lại.

Theo quan điểm của TS Hải, trường đại học phải là nơi tạo thêm giá trị cho sinh viên, trong quá trình học sẽ được bổ sung những điều còn thiếu, hoặc yếu để họ có thể phát huy được tốt nhất năng lực của mình. Ví dụ, một người có kiến thức, kỹ năng chuyên môn về Toán hoặc Kinh doanh rất tốt nhưng thiếu về ngoại ngữ thì môi trường đại học không phải từ chối hay không nhận họ. Trường đại học phải là đào tạo, bổ sung thêm năng lực ngoại ngữ để họ trở thành người toàn diện. Đó mới là ý nghĩa cao nhất của giáo dục đại học.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn