MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều ý kiến dư luận cho rằng, cần lập lại công bằng, liêm chính trong xét, công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư. Ảnh minh họa: VTV.

Cần hủy vĩnh viễn hồ sơ của các ứng viên GS, PGS gian lận

Tường Vân LDO | 25/02/2022 15:56

GS.TS Phạm Tất Dong - Phó chủ tịch thường trực Hội Khuyến học Việt Nam - cho rằng, Hội đồng xét chức danh giáo sư, phó giáo sư nhà nước cần hủy vĩnh viễn hồ sơ ứng viên có dấu hiệu, hành vi gian lận để chấm dứt tình trạng tiêu cực xảy ra ở những năm tiếp theo.

Đừng vì háo danh mà nảy chiêu trò gian lận

Gần đây, dư luận tranh cãi quanh câu chuyện một số ứng viên giáo sư, phó giáo sư có bài báo quốc tế đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế không uy tín, hay mượn tên người khác để đủ điều kiện có bài báo khoa học để tính điểm khi xét chức danh... Một lần nữa, dư luận xã hội lại đặt ra vấn đề về đạo đức và liêm chính khoa học. 

Liên quan đến các quy định, điều kiện xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư hiện nay, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó chủ tịch thường trực Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, đề cao bài báo quốc tế trong việc xét danh hiệu giáo sư, phó giáo sư là không nên. 

GS.TS Phạm Tất Dong

"Nếu quá câu nệ có bài báo hay không có bài báo khoa học là không nên. Tất nhiên, nên có tiêu chuẩn nhưng phải xem đóng góp của những ứng viên vào khoa học, có những sáng kiến, cải tiến, phát minh gì cho đất nước, cái đó mới là quan trọng. Còn nếu viết bài báo quốc tế nhưng không đem lại giá trị gì thì không nên đánh giá chỉ số đấy quá cao" - ông Dong nói. 

Ông Dong chia sẻ thêm, việc quá đề cao số lượng bài báo quốc tế khiến các ứng viên vì quá háo danh mà nảy ra các chiêu trò, mẹo để gian dối, dẫn đến những tiêu cực, hệ lụy phía sau.

"Hiện nay, xảy ra tình trạng “treo đầu dê bán thịt chó”, ứng viên viết bài của lĩnh vực này nhưng lại đăng tải ở tạp chí lĩnh vực khác. Ví dụ bài lĩnh vực chính trị nhưng lại đăng vào lĩnh vực khoa học công nghệ, đấy là không được, là điều tối kị trong nghiên cứu khoa học.

Hay tình trạng mua bán các bài báo khoa học diễn ra công khai. Những bài báo ứng viên không viết được, sẽ có 1 nhóm viết, nhóm này có thể ăn cắp nguồn từ đâu đấy, bán cho người có nhu cầu" - ông Dong chia sẻ.

Cần hủy vĩnh viễn hồ sơ của các ứng viên giáo sư, phó giáo sư gian lận

Thực tế, vài năm trở lại đây, cứ mỗi dịp xét ứng viên giáo sư, phó giáo sư, trên các diễn đàn khoa học lại xuất hiện nhiều luồng dư luận về điều kiện xét tuyển của các ứng viên, những vấn đề nhức nhối liên quan đến đạo đức khoa học. Làm thế nào để chấm dứt tình trạng này, lập lại sự công bằng, liêm chính trong việc xét, công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư là vấn đề được dư luận và xã hội quan tâm. 

Trên cương vị là giáo sư đầu ngành, ông Phạm Tất Dong thẳng thắn nhìn nhận thực tế việc xét, công nhận chức danh GS, PGS ở nước ta, bên cạnh những ưu điểm, thành tích thì vẫn còn nhiều "hạt sạn".

Rất nhiều ứng viên chưa đạt tiêu chuẩn, điều kiện tham gia nhưng vẫn "vượt qua" các kỳ xét ở Hội đồng GS các cấp khiến dư luận lên tiếng và phản đối, đặt ra sự hoài nghi về liêm chính khoa học. 

Để chấm dứt những tiêu cực trong việc xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư như hiện nay, GS Phạm Tất Dong đưa ra kiến nghị và nhấn mạnh quan điểm:

"Người thẩm định hồ sơ phải nêu cao trách nhiệm. Nếu thẩm định sai phải hoàn lại mức lương chi trả và chịu hình thức kỉ luật xứng đáng.

Hội đồng chức danh GS, PGS nhà nước nên hủy vĩnh viễn hồ sơ của ứng viên phát hiện gian lận, thậm chí xem xét xử lí về hình sự thay vì chỉ phê bình, kiểm điểm mới có thể ngăn chặn việc gian lận trong xét duyệt chức danh".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn