MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cận kề ngày thi vào lớp 10, sĩ tử "vùi mặt" sớm tối ở lớp học thêm

LINH TRANG - HÀ PHƯƠNG LDO | 04/06/2018 14:03

"Tôi xin nghỉ phép một tuần để đưa đón con ôn thi. Hai mẹ con ra khỏi nhà từ 6h30 sáng mà có ngày 10h tối mới về. Học thế mà vẫn lo lắm!"- chị Hoàng Hương (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) tâm sự cùng vài phụ huynh khác trong lúc ngóng con tan lớp.

Bỏ công bỏ việc "chiến đấu" cùng con

Những ngày này, trước cổng trường hay cửa trung tâm ôn thi vào lớp 10, phụ huynh không giấu được nỗi lo lắng. Câu chuyện bàn tán qua lại trong thời gian chờ con tan lớp là tỷ lệ chọi, kết quả thi thử, lịch thi, giờ thi...

"Chỉ 3 ngày nữa, kì thi sẽ diễn ra. Cả mẹ cả con không lơ là được. Ôn cả năm thì ôn chứ tôi nghĩ nước rút như giờ quan trọng nhất. Bỏ công bỏ việc đưa đón con học 3-4 ca/ngày cũng không ngại gì. Hôm qua mẹ con trúng mưa, nhường áo cho con nên tôi hơi cảm. Thế nhưng 6h30 vẫn đưa con đi". 

Phụ huynh đợi con trước cổng trường THCS Nghĩa Tân, Hà Nội. Ảnh: LT
Tương tự như chị Hương, anh Nguyễn Văn Hùng (tập thể Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Tranh thủ nghỉ trưa, tôi ra đón con đi ăn. 11h30 tan học ở trường nhưng 1h con học thêm tận Chùa Bộc. Không yên tâm cho con đi bus hay xe ôm nên chấp nhận nghỉ sớm hoặc đi làm muộn một chút. Bố mẹ có khi lo hơn chúng nó ấy chứ".
Các sĩ tử luyện thi. Ảnh: LT

Phụ huynh cho biết, tại các trường có mở lớp ôn thi cho học sinh thì sẽ kết thúc việc ôn tập muộn nhất là trong ngày mai 5.6 - trước kì thi 2 ngày. Còn tại các trung tâm, lớp học thêm hay thuê gia sư riêng thì việc học bao lâu phụ thuộc vào gia đình sắp xếp với thầy cô.

"Bọn trẻ này chủ quan lắm, sểnh thầy cô ra là mải chơi, quên kiến thức ngay. Cứ phải có người giảng dạy, giám sát liên tục. Tôi tính vẫn cho con học đến sát ngày thi. Thế cũng không thừa" - chị Hương nói.

Nhóm phóng viên đã theo chân một gia đình ở Hà Đông đưa con đi ôn thi vào 10 với lịch trình "không khe hở". Nghe kì lạ nhưng 5h sáng, hai bố con đã có mặt tại lớp luyện thi môn văn của cô N. nằm sâu trong một hẻm nhỏ tại Chùa Bộc. Lớp học kéo dài 2 giờ. Người bố ngồi đợi con suốt thời gian đó rồi tiếp tục đưa con đến ôn tại trường. Lịch trình "cày chữ" này kéo dài đến tối muộn trong liên tục nhiều ngày.

 Người bố đưa con đi học từ 5h sáng. Ảnh Hà Phương

Học ngày học đêm: Lợi bất cập hại

Chia sẻ về tình trạng học nhồi nhét này, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết: "Vấn đề ôn thi không phải học nhiều thời gian, học nhồi nhét là hiệu quả. Đối với việc ôn thi, các em nên học cách tư duy, giải quyết vấn đề là chính. Một ngày học nhiều ca và học sát ngày thi ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe và khó tiêu hóa được kiến thức. Các em nên phân bổ thời gian ôn thi hợp lý và xen kẽ các hoạt động vui chơi, nghỉ ngơi".

Về phía phụ huynh, ông cho rằng: "Phụ huynh đang mang nặng tâm lý con nhà mình cũng phải đi học cho bằng bạn bằng bè. Chính bố mẹ lại gây hại cho con mình.".

Còn 3 ngày nữa, 94.499 học sinh lớp 9 của Hà Nội sẽ bước vào kỳ thi lớp 10 - được ví là căng thẳng hơn thi đại học. Phụ huynh nên cân nhắc về thời gian học tập - nghỉ ngơi của con để các sĩ tử có trạng thái tốt nhất trước kì thi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn