MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cần ngay giải pháp để giáo viên thoát cảnh buộc phải bỏ nghề

Đặng Chung - Thiều Trang LDO | 09/11/2021 20:31

Trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 9.11, nhiều đại biểu đề nghị, cần sớm có hỗ trợ cho giáo viên mầm non bị mất việc, khó khăn vì dịch COVID-19. Đồng thời, nhanh chóng có giải pháp tháo gỡ vấn đề thiếu giáo viên đã tồn đọng nhiều năm nay.

Cần chính sách hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập

Liên quan đến vấn đề dạy học trong bối cảnh COVID-19, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn đại biểu Đồng Tháp) cho rằng, thời gian qua các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo cùng các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để hoạt động dạy học không bị đứt quãng. Đặc biệt là tổ chức linh hoạt các phương thức dạy học như dạy học trực tuyến.

Tuy nhiên, qua phản ánh về tình hình dạy học tại một số địa phương cho thấy, chất lượng giáo dục trong bối cảnh dịch bệnh khó bảo đảm, hoạt động của các cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là hệ thống các trường tư thục tại các thành phố lớn, các địa phương có khu công nghiệp.

"Nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập đang có nguy cơ ngừng hoạt động, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non vì không thể dạy học trực tuyến.

Kéo theo đó là tình trạng giáo viên mầm non ngoài công lập bị mất việc, phải chuyển đổi sang công việc khác để có thu nhập. Và khi đã có thu nhập bằng công việc khác thì việc kéo các cô quay trở về nghề rất là khó. Vì lương giáo viên mầm non hiện rất thấp.

Thực tế trên đây cho thấy nguy cơ thiếu trường học, điểm nhóm giữ trẻ, thiếu giáo viên mầm non là điều có thể xảy ra tại nhiều địa phương trong thời gian tới" - đại biểu Hoa dự báo.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp thảo luận tại phiên họp.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị Chính phủ và các địa phương cần rà soát, đánh giá đúng thực trạng và nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập khôi phục hoạt động, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non, tư thục, các nhóm trẻ gia đình. Đồng thời, nghiên cứu chính sách tiền lương hợp lý cho nhà giáo, nhất là giáo viên mầm non - vốn là lĩnh vực hoạt động đặc thù nhưng hiện nay lương đang thấp nhất.

Cần nhanh chóng tháo gỡ "bài toán" thiếu giáo viên

Cũng quan tâm đến lĩnh vực Giáo dục, nhiều đại biểu cho rằng, thiếu giáo viên đã trở thành "bài toán" khó của ngành giáo dục suốt nhiều năm qua. Đặc biệt, năm học 2021-2022, rất nhiều địa phương đang phải xoay xở đối phó với khó khăn này.

Theo đại biểu Lò Thị Luyến (Đoàn đại biểu Điện Biên), hiện nay tỉnh Điện Biên đang thiếu 1.495 giáo viên.

Việc giao định mức giáo viên đứng lớp chưa đảm bảo theo quy định, nhưng khi giao chỉ tiêu tinh giản biên chế lại căn cứ vào số giáo viên hiện chưa có - tức là tinh giản khi định mức giáo viên đứng lớp chưa giao đủ theo quy định.

Hơn nữa, các tỉnh miền núi, địa bàn chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, một trường có nhiều điểm trường. Việc thực hiện xã hội hóa giáo dục không khả thi, nên việc cắt giảm số lượng người làm việc hàng năm, để đảm bảo đến năm 2025 tiếp tục giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021 sẽ dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

"Tôi đề nghị Bộ Nội vụ cần nghiên cứu, xem xét các yếu tố của các tỉnh miền núi như đã nêu ở trên. Phối hợp với Bộ GDĐT khảo sát thực tế để có giải pháp tháo gỡ cho các địa phương về vấn đề này" - đại biểu Lò Thị Luyến đề nghị.

Đại biểu Lò Thị Luyến – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên thảo luận tại phiên họp.

Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Đoàn đại biểu Bà Rịa - Vũng Tàu) khẳng định, đối với năm học 2021-2022 vẫn có tình trạng thiếu giáo viên do không có nguồn để tuyển dụng hoặc hợp đồng theo quy định chuẩn của Luật Giáo dục năm 2019.

Để đảm bảo đủ giáo viên giảng dạy trong năm học này, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị, các bộ liên quan cần có giải pháp tạm thời cho các địa phương được ký hợp đồng với giáo viên thỉnh giảng theo kiểu cũ để đáp ứng yêu cầu hiện tại. Điều này nhằm khắc phục tình trạng có học sinh nhưng thiếu giáo viên, đồng thời sớm có hướng dẫn lộ trình thỉnh giảng giáo viên theo chuẩn mới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn