MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các học viên cầu cứu nhằm bảo đảm quyền lợi vì đã hoàn tất học phí và thi tốt nghiệp nhưng không được cấp bằng. Ảnh: Lê Phi Long

Cần sớm có một quyết định nhân văn của Trường Đại học Vinh

LÊ PHI LONG LDO | 17/07/2023 14:53

Hàng chục học viên ở Quảng Bình đang kêu cứu, mòn mỏi đợi chờ để được thi tốt nghiệp; được cấp bằng; nước mắt, lo lắng, cơ hội trôi đi, nguy cơ mất việc hiện hữu bởi chỉ một nguyên nhân duy nhất: tiền học phí học viên đã đóng chưa chuyển "đến tay" Trường Đại học Vinh.

Những ngày qua, việc hàng chục học viên tại Quảng Bình kêu cứu vì Trường Đại học Vinh chưa chịu tổ chức thi tốt nghiệp cho số học viên đủ điều kiện; số học viên đã thi tốt nghiệp cách đây hơn 6 tháng chưa được cấp bằng đang gây sự chú ý của dư luận.

Chú ý là bởi lẽ, nó liên quan đến tiền, đến học phí; mà học phí thì học viên đã đóng cho cơ sở liên kết đào tạo đầy đủ, nhưng số tiền trên liên quan đến một vụ án đã được xét xử.

Chú ý cũng vì bởi lẽ, liên quan đến tiền mà không cấp bằng, không tổ chức thi tốt nghiệp cho học viên, trong khi lỗi đâu phải là ở học viên.

Liên quan đến vụ án "tham ô tài sản" và "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Quảng Bình mà TAND tỉnh vừa xét xử, số tiền nguyên thủ quỹ Trung tâm chiếm đoạt là gần 8,2 tỉ đồng. Từ đó, dẫn đến việc Trung tâm dù đã thu đủ tiền học phí của các học viên, nhưng chưa chuyển đủ cho Trường Đại học Vinh.

Điều đáng nói, sau khi sự việc xảy ra, xác định lỗi không phải do học viên, để bảo đảm quyền lợi cho học viên, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh Quảng Bình đã nhiều lần làm việc, nhiều lần gửi công văn để mong Trường Đại học Vinh tổ chức thi tốt nghiệp cho các học viên đã hoàn thành khóa học; cấp bằng cho các học viên đã thi tốt nghiệp, nhưng Trường Đại học Vinh vẫn không làm vì quyền lợi học viên.

Đáng nói hơn, trong số các đơn vị liên kết đào tạo, cũng bị tình huống nợ tiền liên quan đến vụ án trên, các trường đại học khác đều cấp bằng, bảo đảm quyền lợi cho học viên, còn Trường Đại học Vinh thì không.

Nhằm sớm đảm bảo quyền lợi cho học viên, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh Quảng Bình đã đưa ra giải pháp là thay vì trích 25% học phí cho Trung tâm để phục vụ hoạt động dạy học thì Trung tâm chỉ nhận 10% để trả tiền điện nước, 15% còn lại Trung tâm trả nợ cho Đại học Vinh.

Sau khi dư luận lên tiếng, đại diện Trường Đại học Vinh mới lên tiếng là sẽ tổ chức họp và giải quyết sự việc.

Chắc chắn rằng, học viên đi học cần có bằng, để phục vụ công việc. Học xong không được thi tốt nghiệp, thi xong không có bằng thì học viên đã mất đi cơ hội, lo lắng kêu cứu khắp nơi, nguy cơ mất việc hiện hữu trong khi biên lai đã nộp học phí còn cầm trên tay, nợ nần vay mượn để đi học còn đó...

Về lý, có thể Trường Đại học Vinh không sai, nhưng về tình thì đúng là đáng bàn. Giáo dục - đầu tiên phải mang tính nhân văn, môi trường giáo dục phải đặt tính nhân văn lên hàng đầu. Giữ lại bằng, không cho thi tốt nghiệp không giải quyết được mấu chốt vấn đề. Như vậy là đẩy học viên vào cảnh đánh mất cơ hội, là nguy cơ mất việc, thiệt thòi trong công tác.

Đúng - sai liên quan đến số tiền học viên đã nộp, tòa đã xét xử, còn hậu quả khách quan gây ra thì 2 cơ sở đào tạo hãy cùng đồng lòng giải quyết, nhưng quan trọng nhất, không được để học viên thiệt thòi như thời gian qua đã xảy ra - đó là nhân văn. Và người học cần sớm có một quyết định nhân văn của Trường Đại học Vinh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn