MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội thảo khoa học xin ý kiến dự thảo Đề án đẩy mạnh tự chủ đại học giai đoạn 2024-2030. Ảnh: Nguyễn Linh

Cần trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các trường đại học

Nguyễn Linh LDO | 19/10/2023 21:01

Đà Nẵng - Chiều 19.10, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Chương trình Hội thảo khoa học xin ý kiến dự thảo Đề án đẩy mạnh tự chủ đại học giai đoạn 2024-2030.

Tại Chương trình Hội thảo khoa học xin ý kiến dự thảo Đề án đẩy mạnh tự chủ đại học giai đoạn 2024-2030, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) báo cáo về việc triển khai xây dựng Đề án đẩy mạnh tự chủ đại học giai đoạn 2024-2030.

Trong đó cần có 6 nhiệm vụ được đề xuất để đổi mới tự chủ đại học: Cần cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) cho giáo dục đại học (GDĐH) đảm bảo chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường và tiếp cận công bằng, tăng cường hiệu quả sử dụng NSNN đầu tư cho GDĐH, đổi mới chính sách hỗ trợ tài chính cho sinh viên, huy động nguồn lực tài chính từ doanh nghiệp khu vực tư nhân phát triển GDĐH, hoàn chỉnh chính sách học phí và giá dịch vụ GDĐT, đổi mới quản trị tài chính của các cơ sở GDĐH.

Ông Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết, hiện nay hệ thống pháp luật vẫn chưa nhất quán nên cần đồng bộ để trao quyền tự chủ nhiều hơn nữa cho các trường đại học. Quyền tự chủ cũng đã giao nhiều rồi nhưng đặc biệt trong vấn đề tự chủ chính là chính sách học phí.

“Khi các trường đăng ký tự chủ xong là bị cắt ngân sách nhưng học phí trong 3, 4 năm vừa rồi không cho tăng. Vậy theo chính sách tự chủ, cần được tự chủ về học phí. Thứ hai là đầu tư mua sắm cũng không khác gì nhiều so với các trường bình thường. Ngay các chính sách nộp thuế đến bây giờ vẫn chưa rõ ràng, các trường tự chủ đến bây giờ vẫn chưa biết có nộp thuế hay không”, ông Nguyễn Ngọc Vũ nói.

Ngoài ra, còn có một số ý kiến đề xuất về phân cấp phân quyền, tự chủ tài chính cho các trường đại học cũng được nêu tại hội thảo.

Theo ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GDĐT tự chủ đại học là xu thế tất yếu của Đại học. Lần này Bộ GDĐT được Chính phủ giao soạn thảo đề án về tự chủ Đại học năm 2024-2030, đề án sẽ phân tích rõ về những năm qua đã triển khai, kết quả đạt được, đi sâu vào điểm nghẽn, những gì đang cản trở sự phát triển của giáo dục Việt Nam. Từ đó sẽ đi tìm những khó khăn, nguyên nhân nằm ở đâu.

Bộ cũng lắng nghe các ý kiến của lãnh đạo Trường Đại học, chuyên gia… về những khó khăn, những gì không thuộc về thẩm quyền Bộ GDĐT, Bộ sẽ xử lý, những gì không thuộc thẩm quyền thì Bộ sẽ kiến nghị đề xuất.

“Hội thảo khoa học nhưng thực chất là thực tiễn, vì thế các lãnh đạo góp ý thẳng thắn, tập trung chung vào những vấn đề chính tự chủ đại học, xem xét kỹ nguồn gốc. Tìm hiểu kỹ nguyên nhân gốc rễ, tập trung kỹ về những nội dung đề xuất, ý kiến sâu sắc để thuyết phục được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các Bộ ngành và tạo được sự đồng thuận của toàn xã hội. Chúng tôi kỳ vọng đề án khi được phê duyệt sẽ là căn cứ tạo ra được những sự thay đổi, có đề án Bộ, ngành sẽ điều chỉnh các chính sách và có lộ trình phù hợp”, ông Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội thảo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn