MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia không đồng ý đề xuất thay thuật ngữ “học phí” thành cụm từ “giá dịch vụ đào tạo” trong Luật Giáo dục Đại học sửa đổi. Ảnh minh họa: Internet

Cẩn trọng trong thay đổi thuật ngữ “học phí” thành cụm từ “giá dịch vụ đào tạo”

HUYÊN NGUYỄN LDO | 30/05/2018 19:00

Nhiều giáo viên, chuyên gia giáo dục cho rằng việc thay thuật ngữ “học phí” thành cụm từ “giá dịch vụ đào tạo” có thể mang lại cảm giác môi trường giáo dục đại học đang được biến thành thương trường, có mua, có bán. 

Trình bày trước Quốc hội sáng 30.5 các nội dung sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục Đại học, Ban soạn thảo đã đề xuất đưa cụm từ "giá dịch vụ đào tạo” thay cụm từ “học phí” để tính phí dịch vụ đào tạo, dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu dịch vụ khác... Vấn đề này đang gây ra những tranh luận trái chiều.

GS.TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam phân tích: Thuật ngữ “phí” là chi phí, là hao tổn trong tiêu dùng. Cắt nghĩa từ “học phí” thì có thể hiểu đơn giản là tiền sinh viên nộp cho nhà trường trong khoảng thời gian nhất định về việc học tập của mình. Và số tiền này được nhà nước quy định trong một khung nhất định.

Còn “giá” là giá trị của một vật, được quy định bằng tiền. “Giá dịch vụ đào tạo” là tiền sinh viên nộp cho nhà trường trong khoảng thời gian nhất định về việc học tập của mình. Và số tiền này các trường có thể tự ý đưa ra tùy theo dịch vụ, nhu cầu mà nhà trường cung cấp cho sinh viên. Vì thế nhà trường có thể tăng cũng có thể giảm “giá dịch vụ đào tạo”.

Theo GS Dong, việc thay đổi này sẽ vô tình tạo điều kiện khiến các trường có thể “lạm thu”.

Đồng quan điểm, ông Lê Đức Vĩnh – nguyên Trưởng bộ môn Toán Học viện Nông nghiệp Việt Nam bày tỏ lo lắng: Khi thay thuật ngữ “học phí” thành cụm từ “giá dịch vụ đào tạo” thì thấy môi trường giáo dục đại học Việt Nam đang được biến thành thương trường, có mua, có bán. Thay từ “phí” bằng từ “giá” dễ thành hình thức lách luật, có hại cho nền giáo dục đại học, biến các trường đại học thành các công ty, là thương mại hoá nền giáo dục đại học”.

Ông Lê Đức Vĩnh cũng cho biết thêm: “Các trường đại học kỹ thuật như: Bách khoa, Giao thông, Xây dựng cũng như các trường Y, Dược, chi phí đào tạo cho một sinh viên ít nhất gấp ba lần các trường ngành Kinh tế. Nếu tính đúng, tính đủ liệu các trường khối ngành Kỹ thuật hay Y, Dược có dám nâng học phí gấp ba lần các trường Kinh tế hay Khoa học xã hội?

“Từ “giá” mang tính chợ búa nhiều hơn tính giáo dục”, ông Lê Đức Vĩnh bày tỏ.

Ngay sau khi nhận được nhiều ý kiến trái chiều tại nghị trường Quốc hội, Ban soạn thảo đã có những phản hồi về đề xuất thay thuật ngữ “học phí” thành cụm từ “giá dịch vụ đào tạo”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn