MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

"Căng mình" dạy on-off, giáo viên, học sinh mong học online trở lại

Tường Vân LDO | 21/02/2022 06:51

Hà Nội - Sau vài tuần học sinh trở lại trường học trực tiếp, nhiều giáo viên cho rằng, việc học on-off như hiện nay không hề hiệu quả dù giáo viên đã nỗ lực gấp trăm, nghìn lần.

Giáo viên "căng mình" với những giờ học on-off

Bắt đầu tiết học, cô Minh Hiền - giáo viên THCS tại quận Cầu Giấy nhanh chóng thực hiện các thao tác lắp đặt máy móc, thiết bị để cùng một lúc đảm đương 2 vai: Dạy trực tiếp và dạy online với các bạn F0, F1. Dù đã quá quen với các tiết học on-off, nhưng cũng phải mất 15 phút, cô trò mới có thể ổn định, bắt đầu bài giảng.

"Trước kia dạy online, mình hoàn toàn có thể chú tâm vào các con, nhanh chóng xử lí các sự cố về đường truyền mạng, âm thanh, hình ảnh,... Còn hiện nay, khi cùng lúc dạy on-off, giáo viên phải xoay đủ kiểu, lúc viết trên bảng, khi lại viết trên máy tính, không thể nào quan tâm được hết các con học sinh.

Ai cũng muốn đi học trực tiếp nhưng quả thực, từ khi trở lại trường, số ca F0 tăng liên tục, cô trò phải dạy học on-off khiến tâm lí chúng tôi lại muốn 100% học online như trước kia vì quá mệt" - cô Hiền than thở. 

Học sinh tiểu học tại 18 huyện, thị xã của Hà Nội đã đi học trực tiếp trở lại. Ảnh: Hải Nguyễn.

Theo cô Hiền, đây là tình trạng chung của rất nhiều giáo viên hiện nay, khi cùng lúc phải đảm đương nhiều vai.

Tại không ít trường học, do quá nhiều giáo viên trở thành F0, nhiều thầy cô khác phải "chạy xô" giữa các lớp học online và trực tiếp nhiều ngày trong tuần.

“Đôi khi, vừa kết thúc tiết dạy trực tiếp cho khối 7, giáo viên phải chuyển ngay sang dạy học trực tuyến cho khối 6. Dù nhà trường cũng đã rất chu đáo chuẩn bị phòng máy để thầy cô không bị chậm trễ khi chuyển giao giữa các tiết dạy nhưng quả thực việc "chạy xô" giữa các tiết học khiến giáo viên chúng tôi rất mệt” - một giáo viên THCS tại huyện Thanh Trì chia sẻ.

Phụ huynh, giáo viên băn khoăn về chất lượng

Chỉ sau vài ngày được đến trường học trực tiếp, con gái học lớp 12 của chị Lan Hương (Quận Đống Đa, Hà Nội) đã phải trở về nhà học online vì tiếp xúc với F0 tại lớp học. Con về mặt ỉu xìu và nói: "thà cả lớp cùng học online như trước kia còn hơn".

Chị Hương chia sẻ, nhà trường đã tạo điều kiện để học sinh thuộc diện F vẫn có thể học tại nhà bằng cách lắp đặt hệ thống camera tại lớp học nhưng chị đánh giá việc học không hiệu quả.

"Một điều rõ ràng rằng giáo viên sẽ ưu tiên và có nhiều điều kiện quan tâm đến các bạn học trực tuyến hơn là những bạn học online tại nhà bởi nhiều khi vì gián đoạn kết nối, các em không nghe rõ lời cô hoặc không thể nhìn thấy chữ viết trên bảng. Nếu học sinh không tự giác phản ánh hoặc hỏi lại giáo viên, thầy cô cũng không thể nắm bắt được.

Hoặc cứ cho rằng giáo viên có thể bao quát được hết học sinh đi chăng nữa, thì hiệu quả vẫn không thể giống như khi chỉ dạy theo một hình thức do thầy cô đang bị quá tải" - chị Hương phân tích.

Nhìn rõ những bất cập trong hình thức dạy học hiện  nay, chị Hương đặt ra câu hỏi:

"Nếu cứ học theo kiểu on-off lẫn lộn như hiện nay, chắc chắn các cháu học trực tuyến sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Vậy, đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, các kỳ thi vượt cấp quan trọng, liệu việc thi tuyển có còn công bằng nữa hay không?".

Cùng chung quan điểm với chị Hương, anh Nguyễn Quang Minh (Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, nhà trường cần tính toán hợp lí hơn để việc học của các con không bị ảnh hưởng.

“Với những học sinh nhiễm, nghi nhiễm nhà trường có thể xếp chung vào một lớp để các con học trực tuyến tại nhà. Những học sinh có nguyện vọng học trực tiếp, nhà trường có thể tổ chức học tại trường như hiện tại. Xếp lớp linh hoạt như vậy sẽ đảm bảo hiệu quả cho từng nhóm đối tượng và làm giảm áp lực cho giáo viên và các nhà trường”-  phụ huynh này nêu quan điểm.

Bà Văn Liên Na - Phó Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh thừa nhận việc dạy on-off như hiện nay không khả thi và ảnh hưởng đến cả 2 nhóm đối tượng.

"Thầy cô đợi được các em học online vào lớp, nhìn được hình, nghe được âm thanh thì học sinh học trực tiếp lại phải ngồi đợi rất mất thời gian. 

Chưa kể, hầu hết các trường học hiện nay đường truyền mạng chưa thể đảm bảo cho việc học on – off linh hoạt. Có những lúc, wifi của trường không thể tải nổi do có quá nhiều thiết bị cùng truy cập một lúc, làm gián đoạn việc học của cả 2 phía.

Do đó, nguyện vọng chung của giáo viên và phụ huynh là nếu đã học online thì sẽ học online toàn bộ để phụ huynh, học sinh xác định rõ, ổn định trong việc học tập” - bà Na nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn