MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phát triển nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế ở những trạm y tế để trở thành nơi khám chữa bệnh nồng cốt giảm quá tải bệnh viện. Ảnh: P.V

Cánh tay nối dài nhằm “chia lửa” quá tải ở các bệnh viện

KIM ĐỒNG LDO | 17/07/2018 10:29
Mặc dù hệ thống y tế tại tuyến cơ sở ở một số địa phương dần được củng cố và phát triển, cả về nhân lực, chất lượng như: Tăng cường công tác khám bệnh, chữa bệnh; nâng cao dịch vụ khám, chữa bệnh... Tuy nhiên, công tác chăm sóc sức khỏe tại tuyến y tế này vẫn còn nhiều hạn chế. 

Để phát triển tuyến y tế này, Bộ Y tế đã triển khai đào tạo “Nâng cao chăm sóc, quản lý sức khỏe nhân dân và các bệnh mạn tính tại y tế xã/phường theo nguyên lý y học gia đình”. Có thể nói đây sẽ là cánh tay nối dài nhằm “chia lửa” quá tải tại các bệnh viện hiện nay.

Chấm dứt tình trạng cán bộ y tế ngồi không

Tại buổi triển khai khóa đào tạo “Nâng cao chăm sóc, quản lý sức khỏe nhân dân và các bệnh mạn tính tại y tế xã/phường theo nguyên lý y học gia đình” do Bộ Y tế tổ chức tại TPHCM ngày 16.7, có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Đại diện Bộ Y tế đã “thẳng thắn” nói về những vấn đề còn tồn tại, hạn chế tại tuyến y tế cơ sở hiện nay… Theo đó, trong những năm vừa qua, hệ thống y tế dần được củng cố và phát triển, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở; nhân lực y tế phát triển cả về số lượng và chất lượng; công tác khám bệnh, chữa bệnh được tăng cường, đặc biệt chú trọng đến nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh... Tuy nhiên, công tác chăm sóc sức khỏe tại tuyến y tế cơ sở ở một số địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chăm sóc sức khỏe tại tuyến ban đầu. Nhiều địa phương chưa chủ động thực hiện, có tâm lý chờ đợi chỉ đạo, hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu. Nhận thức và hành động ở một số đơn vị và địa phương còn chưa đầy đủ, chưa thực sự coi y tế cơ sở, y tế dự phòng là nòng cốt trong công tác chăm sóc sức khỏe (CSSK).

Bộ Y tế cũng đã chỉ ra hàng loạt yếu kém còn tồn tại như việc hiện nay nhiều trạm y tế (TYT) chưa thực hiện được danh mục kỹ thuật theo phân tuyến, theo danh mục dịch vụ thuộc gói dịch vụ y tế cơ bản; chưa thực hiện phát hiện sớm, quản lý điều trị bệnh mạn tính, đặc biệt về tăng huyết áp và đái tháo đường, rối loạn tâm thần; năng lực cán bộ y tế còn hạn chế, kiến thức và chuyên môn không được cập nhật. Ngoài ra, tại tuyến y tế cơ sở còn tồn tại tình trạng thiếu trang thiết bị y tế cơ bản, thiếu nhân lực, nhiều TYT không có thuốc đông y, vướng mắc về chứng chỉ hành nghề về y học cổ truyền, chưa có cơ chế tài chính cụ thể về nguồn thu…

ThS Nguyễn Đình Anh - Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) cho biết, ngoài những yếu kém trên, hiện nay công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe từ TYT xuống cộng đồng người dân khu vực chưa được thật sự chú trọng, thiếu tài liệu, phương tiện truyền thông. Vấn đề truyền thông mới chỉ thực hiện tại TYT, chưa xuống tới người dân tại cộng đồng; cán bộ y tế thiếu kỹ năng truyền thông; thiếu những câu lạc bộ sinh hoạt các bệnh…

Tại buổi triển khai đào tạo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã yêu cầu các TYT cần đầu tư nâng cấp nhân lực, cơ sở vật chất. Ngoài ra, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, 20% nhà vệ sinh không đạt yêu cầu hiện nay tập trung chủ yếu tuyến phường/xã, tỉnh. Nhà vệ sinh dơ bẩn, phòng ốc xập xệ thì ai vào khám bệnh. “Trong thời gian tới, y tế từ tuyến tỉnh trở lên cần tập trung thực hiện những dịch vụ y tế chuyên môn kỹ thuật cao chứ không phải suốt ngày khám chữa những bệnh lặt vặt như tiêu chảy cấp, đo huyết áp, sổ mũi, nhức đầu… Thay vào đó, việc khám bệnh kiểu này phải giao cho TYT xã, đừng để cảnh cán bộ y tế ở những trạm ngồi không”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

Giải quyết quá tải tại các bệnh viện

Hướng tới thực hiện bao phủ CSSK và BHYT toàn dân, mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khoẻ; được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia BHYT và thụ hưởng các dịch vụ y tế. Tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế và có cơ chế giá, cơ chế đồng chi trả nhằm phát triển vững chắc hệ thống y tế cơ sở…

Bộ Y tế cho biết công tác xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế. Nhiều giải pháp được bộ triển khai, trong đó thí điểm 26 TYT xã đủ tiêu chuẩn trên toàn quốc. Các TYT này bảo đảm thực hiện công tác khám, chữa bệnh, dự phòng, truyền thông giáo dục sức khỏe, tiêm chủng, kiểm soát nhiễm khuẩn…

GS-TS-BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện nay phân nửa trong số 24 bệnh viện quận/huyện trên địa bàn TP mỗi ngày mỗi bệnh viện tiếp nhận khám chữa bệnh cho khoảng 1.500-2.000 bệnh nhân dẫn đến tình trạng quá tải. Xác định TYT là cánh tay nối dài “chia lửa” quá tải cho các bệnh viện, trong thời gian qua, ngành y tế TP chủ động củng cố cho TYT, đầu mối là y tế cơ sở. “Ngành y tế TPHCM phấn đấu đến năm 2020 mỗi TYT phải có 2 bác sĩ, riêng 3 TYT kiểu mẫu đang triển khai thí điểm theo mô hình của Bộ Y tế thì phải đạt từ 4 đến 5 BS/trạm. Chúng tôi sẽ triển khai nhanh, hiệu quả về mô hình này” - ông Bỉnh nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn