MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cô giáo động viên học sinh miền núi trở lại trường ở huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Ảnh Thanh Tuấn

Cấp lương cho giáo viên, hỗ trợ bán trú sẽ ngăn học sinh miền núi bỏ học

THANH TUẤN LDO | 28/03/2023 09:14

Hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum hiện đang thiếu chỉ tiêu hàng nghìn giáo viên đứng lớp. Nhiều giáo viên “cắm bản” vùng sâu, vùng xa xin nghỉ việc do chế độ hỗ trợ thấp, học sinh bị ngắt chế độ bán trú cũng khó khăn trong việc đến trường. Ngành giáo dục 2 tỉnh phía bắc Tây Nguyên đề xuất chế độ hỗ trợ, mở lại bán trú, nội trú để nâng cao chất lượng dạy và học.  

Ngày 28.3, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum cho biết, đã đề xuất với Chính phủ, bộ, ngành Trung ương ưu tiên sắp xếp nguồn lực duy trì chính sách hỗ trợ chi phí học tập và hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh miền núi. 

Việc này sẽ góp phần duy trì sĩ số chuyên cần, ngăn được học sinh vùng khó khăn, thiếu thốn bỏ trường lớp. Từ sau dịp Tết nguyên đán đến nay, nhiều học sinh huyện miền núi Tu Mơ Rông đã không trở lại trường lớp. Các em bỏ học theo cha mẹ lên nương rẫy mưu sinh. 

Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kon Plông, năm học 2021-2022, toàn huyện có gần 1.000 em học sinh bị ngắt chế độ bán trú, sau khi xã lên Nông thôn mới. 

Bữa ăn gồm cơm trắng, cá khô, nhộng đất của học sinh huyện Kon Plông. Ảnh Thanh Tuấn 

100% học sinh của nhà trường là người dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bố mẹ các em chủ yếu làm nương rẫy mang tính tự cung tự cấp, kinh tế vô cùng khó khăn. Vì thế, nhiều em đứng trước nguy cơ bỏ học, nhà trường phải tới tận nhà động viên gia đình. 

Bà Y Ngọc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum kiến nghị Bộ Nội vụ không cắt giảm 10% số lượng người làm việc đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo theo lộ trình tinh giản biên chế.   

Hiện nay, các địa bàn đặc biệt khó khăn thiếu nguồn tuyển giáo viên, một số giáo viên không yên tâm công tác, đời sống khó khăn nên một số giáo viên nghỉ việc, chuyển công tác đến vùng thuận lợi. 

Ngành giáo dục tỉnh Kon Tum kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi, trong đó có cơ chế ưu đãi đặc thù để khuyến khích giáo viên an tâm công tác ở vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Cụ thể bằng chính sách hỗ trợ, tiền lương thưởng, để kịp thời động viên tinh thần cũng như vật chất cho đội ngũ giáo viên.  

Thống kê, hiện ngành giáo dục tỉnh Gia Lai còn thiếu 3.000 giáo viên các cấp và 1.500 nhân viên. Trong khi đó, Bộ Nội vụ quyết định cho bổ sung 1.244 biên chế cả giáo viên và nhân viên, tuy nhiên vì nhiều lý do hiện vẫn chưa tuyển dụng được.  

Do thiếu giáo viên nên ngành giáo dục Gia Lai phải tiến hành biệt phái, điều động thường xuyên các thầy cô xuống địa bàn xa xôi dạy học.

Tỉnh Gia Lai đề xuất, khi xây dựng chính sách, đề án, chương trình thì cần quan tâm đến tính chất đặc thù của vùng miền để xây dựng chính sách phù hợp cho từng vùng miền. Cần có nhiều mô hình tổ chức cho học sinh nội trú, bán trú, để tránh tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. 

Gia Lai thống nhất và chấp hành với lộ trình tinh giản biên chế, nhưng đặc thù đối với Tây Nguyên, việc tinh giản 10% thì rất khó. Vì khu vực này có những điểm trường, lớp ghép và buộc phải bố trí đủ giáo viên. Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Nội vụ cần rà soát, thống nhất phân bổ đảm bảo giáo viên cho các vùng miền này.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn