MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục quản lý chất lượng - thông tin về tình hình xử lý các vụ việc gian lận thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Câu hỏi công khai phụ huynh mua điểm làm "nóng" họp báo Bộ GDĐT

Đặng Chung - Nguyễn Hà LDO | 26/03/2019 12:31
Các địa phương, các trường đã báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) kết quả xử lý thí sinh gian lận thi cử hay chưa? Liệu có công khai danh tính của thí sinh được nâng điểm và phụ huynh chạy điểm cho con hay không? Hàng loạt câu hỏi được phóng viên đặt ra tại cuộc họp báo định kỳ quý I/2019 tại Bộ GDĐT, tổ chức vào sáng 26.3

Gian lận tinh vi đến đâu cũng bị phát hiện và xử lý

Theo Bộ GDĐT, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đã chủ trì, Bộ GDĐT phối hợp mở rộng điều tra xác minh để xử lý các tiêu cực và gian lận tại Hội đồng thi một số địa phương.

Kết quả điều tra cho thấy, đã phát hiện 44 thí sinh tại cụm thi Sơn La với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi Ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đây.

Tại cụm thi Hòa Bình, phát hiện 64 thí sinh, trong đó có 63 người năm 2018 và một người năm 2017 có sự thay đổi, điểm chấm thẩm định giảm so với điểm công bố.

Căn cứ kết quả thông báo của Bộ Công an, Bộ GDĐT đã thông tin tới các Sở GDĐT Hòa Bình, Sơn La yêu cầu cập nhật kết quả thi sau khi chấm thẩm định, xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2017, 2018 cho các thí sinh liên quan; thông báo kết quả cho các thí sinh và các ĐH, học viện có liên quan.

Đồng thời, các trường đại học, căn cứ vào kết quả chấm thẩm định, công nhận tốt nghiệp do Sở GDĐT Hòa Bình, Sơn La cung cấp để xét tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017, 2018 và thông báo kết quả cho các thí sinh liên quan.

Toàn cảnh vụ gian lận thi cử xảy ra năm 2018.

Chia sẻ về tình hình thực hiện các chỉ đạo của Bộ GDĐT liên quan đến việc xử lý thí sinh gian lận thi cử của địa phương, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) - cho biết, hiện Bộ GDĐT chưa nhận được báo cáo của các địa phương và các trường. Tuy nhiên, qua theo dõi, có thể thấy Sở GDĐT Hòa Bình, các trường thực hiện rất nghiêm túc.   

Ông Mai Văn Trinh cũng khẳng định, về cơ bản đến thời điểm này, Bộ GDĐT, Bộ Công an đã thực hiện được lời hứa xử lý những sai phạm trong thi cử với thí sinh và phụ huynh cả nước. Những sai phạm đang tiếp tục được các cơ quan chức năng xác minh, hoàn thiện hồ sơ để xử lý nghiêm theo quy định của quy chế và pháp luật.

"Những sai phạm trong thi cử, dù bằng hình thức nào, có âm mưu kỹ càng, thủ đoạn tinh vi đến đâu cũng bị phát hiện"- đại diện Bộ GDĐT gửi thông điệp đến thí sinh, trước thềm kỳ thi THPT quốc gia 2019 diễn ra vào tháng 6 tới.

Cân nhắc công khai thông tin thí sinh, phụ huynh gian lận điểm

Những ngày qua, dư luận xã hội có nhiều tranh cãi về việc có nên công khai danh sách thí sinh được nâng, sửa điểm. Có ý kiến lo ngại thí sinh bị tổn thương, ảnh hưởng đến tâm lý và tương lai, ngành giáo dục từ chối việc công bố danh sách của những thí sinh này. Tuy nhiên, không ít ký kiến cho rằng nếu không công khai là không công bằng với những thí sinh “học thật, thi thật”.

Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ GDĐT, nhiều phóng viên cũng đặt ra vấn đề này.  

Toàn cảnh cuộc họp báo.  

Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng khẳng định: Việc công khai danh tính của các thí sinh phải tuân thủ Hiến pháp 2013, Bộ luật Dân sự và kết quả điều tra của phía công an. Hiện vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra, nên việc công bố đến đâu, như thế nào là thẩm quyền của cơ quan điều tra.

"Chúng tôi rất chia sẻ với phụ huynh. Phụ huynh muốn làm rõ, công khai điều này, nhưng chúng ta không thể không tính đến tác động có thể rất cực đoan của các cháu. Vì vậy cần phải cân nhắc công khai thông tin thí sinh gian lận" - ông Trinh nhấn mạnh.

Từ vụ việc gian lận thi cử ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang, Bộ GDĐT cũng đã lường trước để có những điều chỉnh trong quá trình tổ chức kỳ thi. Nhiều khâu kỹ thuật được đổi mới theo hướng ngăn chặn gian lận thi cử.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn