MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều phụ huynh dành cho con cái ôm thật chặt để động viên, tiếp sức cho con trước khi chính thức vào kỳ thi quan trọng. Ảnh: Tường Vân.

Cha mẹ có vai trò quan trọng số 1 giúp sĩ tử vượt qua "cú sốc" điểm thi

LƯƠNG HẠNH LDO | 13/07/2022 19:00
Với sĩ tử, kết quả của kì thi ảnh hưởng rất lớn đến tâm lí các em. Nếu kết quả thấp, các em sẽ rơi vào trạng thái chán nản, thất vọng thậm chí có những hành động quá khích. Cha mẹ, gia đình đóng vai trò quan trọng số 1 giúp để sĩ tử vượt qua "cú sốc" tinh thần này. 

Chia sẻ với PV Báo Lao Động, TS. Hoàng Trung Học, Trưởng Khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục cho biết: Trong một cuộc thi, người thành công sẽ có cảm xúc tích cực, vui vẻ, hạnh phúc còn người thất bại thì buồn bã, chán nản. Đó là cảm xúc hết sức bình thường của con người, không riêng gì các sĩ tử. 

Mới đây, các em học sinh trải qua kỳ thi vào lớp 10 và kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2022. Có những thí sinh thi tốt, có thí sinh lại không hài lòng với bài thi. Điều này phụ thuộc vào năng lực học tập của các em. Bên cạnh đó, kết quả thi còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện chủ quan, khách quan khác.

"Đối với những em thành công thì mong các em hãy tiếp tục bước đi trên con đường học thuật đã lựa chọn, còn những em có kết quả chưa mong muốn thì cũng đừng coi đó là một dấu chấm hết của cuộc đời. Bởi vì, khi cánh cửa này đóng lại thì sẽ có cánh cửa khác mở ra với các em", TS. Hoàng Trung Học bày tỏ.

Dưới góc độ một nhà nghiên cứu tâm lý - giáo dục nhiều năm, TS. Hoàng Trung Học cho rằng năng lực của con người không chỉ có ở việc học tập, năng lực học tập cũng không hoàn toàn đo bằng kết quả thi cử. Nếu các sĩ tử có năng lực học tập không được cao, không như mong muốn thì có thể tài năng của các em lại ở chỗ khác. 

Thực tế, có rất nhiều người không học đại học, không theo con đường chính quy nhưng họ có thể có những con đường khác để tự thân lập nghiệp. Cuối cùng, họ vẫn thành công.

Dành lời khuyên cho các sĩ tử, TS. Hoàng Trung Học nói: "Nếu kết quả học tập chưa cao, hãy lắng nghe bản thân mình, cùng trao đổi, tâm sự với bố mẹ, thầy cô để tìm cho mình hướng đi khác. Có thể đó là sẽ là một con đường khác tốt hơn, tươi đẹp hơn cả so với những con đường mà các thí sinh tưởng là duy nhất".

Đối với con trẻ chuyện học tập rất quan trọng. Do đó, việc thành công hay thất bại ảnh hưởng rất lớn đến tâm lí của các em. Bố mẹ, gia đình đóng vai trò số 1 đến ảnh hưởng tâm lí thí sinh.

TS. Hoàng Trung Học khẳng định vai trò của cha mẹ trong việc đồng hành, quan tâm đến con trẻ từ trước khi, trong khi và sau khi các em bước vào các cuộc thi quan trọng. Bố mẹ, gia đình đóng vai trò số 1 đến ảnh hưởng tâm lí thí sinh. Cha mẹ phải giúp các thí sinh hiểu các em cần học tập tối đa trong khả năng.

"Nếu các em đã cố gắng hết sức, làm hết khả năng nhưng kết quả chỉ có thế thì cả cha mẹ và các con hãy vui vẻ chấp nhận. Sau đó, hãy tìm con đường đi khác. Đừng bao giờ coi con đường học tập, kết quả học tập là thứ duy nhất đánh giá một học sinh. Đừng bao giờ xác định con đường đi của con trẻ chỉ có con đường học tập", TS. Hoàng Trung Học nhận định.

Nếu thấy con trẻ có dấu hiệu suy sụp tinh thần thì bố mẹ cần nâng đỡ tinh thần cho con. Không chỉ trích, phán xét, so sánh… Cần đồng hành cùng con vượt qua giai đoạn khó khăn đó. Cha mẹ có thể đưa các con đi chơi, tham gia một hoạt động nào đó... khích lệ con trẻ vượt qua khủng hoảng. Sau đó, hãy cùng ngồi lại với con để tìm kiếm cho con một hướng đi mới phù hợp nhất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn