MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cha mẹ khủng hoảng vì nhận nhiều tin nhắn từ các nhóm học trực tuyến

Hà Phương LDO | 05/01/2022 15:47

Hà Nội - Phụ huynh học sinh phải tham gia hàng loạt nhóm chat học tập để phục vụ việc học trực tuyến của con. Nhiều người cảm thấy bị quá tải, khủng hoảng, lo lắng sẽ bỏ lỡ, quên thông tin quan trọng.

Hơn 1 năm nay, chị Nguyễn Ngọc Ánh (Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội) tham gia gần 10 nhóm trò chuyện trên Zalo, liên quan đến việc học trực tuyến của con. Mỗi ngày, chị Ánh đều phải nhận tin nhắn từ các nhóm như: Nhóm nhận bài tập về nhà, nhóm nộp sản phẩm thực hành thủ công, mỹ thuật, video tập thể dục, âm nhạc... thông báo lịch học, thời khoá biểu, lịch kiểm tra, ôn thi của 2 con.

Chị Ánh cho biết: "Mỗi ngày, tôi đều vào từng nhóm đọc, sau đó  2 vợ chồng chia nhau gửi thông tin, quay video thể dục, chụp ảnh bài tập, chụp ảnh sản phẩn cho con kịp nộp bài gửi cô giáo. Tôi thường xuyên vào đọc tin nhắn. Không đọc lại lo bỏ lỡ thông tin, đọc ảnh hưởng đến công việc. Nhiều khi muốn đọc lại cũng khó tìm vì có nhiều thông tin và quá nhiều nhóm".

 Ảnh chụp màn hình: NVCC

Theo chị Ánh, từ tuần này, học sinh tiểu học bắt đầu kiểm tra học kỳ I. Trước ngày kiểm tra chính thức, cậu con trai lớp 2 của chị Ánh được làm quen 1 buổi kiểm tra trắc nghiệm toán.

"Buổi kiểm tra trực tuyến thử con trai không làm được bài. Nguyên nhân là con chưa từng kiểm tra trắc nghiệm và con mất thời gian chép đề bài dù cô giáo đã hướng dẫn không cần chép đề. Sau buổi kiểm tra thử, cô giáo có nhận xét, đưa ra những lưu ý cho cả lớp và một vài trường hợp tiêu biểu. Lượng tin nhắn, thông tin phản hồi quá tải với tôi. Chưa kể con còn kiểm tra môn Tiếng Việt, các môn khác thực hiện sản phẩm. Trong khi đó, con lớn nhà tôi học lớp 4 kiểm tra nhiều môn hơn như: Toán, Tiếng Việt, Lịch sử, Tiếng Anh...", chị Ánh tâm sự.

  Hiện, học sinh nhiều tỉnh thành tiếp tục học trực tuyến để phòng dịch COVID-19. Ảnh: Hà Lê

Cũng giống với chị Ánh, anh Đặng Văn Sang (Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội) cũng phải sát sao với tin nhắn các nhóm học tập của các con. Mặc dù, con trai lớn học lớp 10 có thể sử dụng thành thạo máy tính, điện thoại nhưng anh Sang vẫn phải hỗ trợ vì con đang ở độ tuổi ham chơi.

"Ngoài tham gia vào các nhóm trên Zalo, cha mẹ còn cài đặt và sử dụng thành thạo một số ứng dụng như: Google Drive, Zoom... Đứa lớn có thể tự làm được nhưng mình phải biết để có thể hỗ trợ khi cần thiết. Phần việc này chiếm khá nhiều thời gian của tôi mỗi ngày. Sắp tới, các con sẽ thi học kỳ I online - lượng tin nhắn mình nhận được tăng lên, thông tin quan trọng càng nhiều. Những thông tin như lịch từng môn, lịch thi thử để kiểm tra hệ thống, lịch phân chia theo nhóm để tránh nghẽn mạng..." - anh Sang nói.

Anh Sang cho biết, mình thường bị nhỡ thông tin do không đọc kịp và bỏ qua một số thông báo về thời hạn nộp bài, nhầm lịch hoặc nộp nhầm môn của các con.

Tuy nhiên trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp, phụ huynh học sinh chưa an tâm nếu để con em tới trường. Hiện nay, việc học trực tuyến yêu cầu sự chủ động của học sinh cùng sự hỗ trợ của nhà trường và giáo viên.

"Mỗi gia đình có 2-3 trẻ đi học, cha mẹ đều cố gắng dành thời gian đồng hành cùng con trong hành trình học trực tuyến. Như vậy, cha mẹ mới có thể hiểu được phần nào sự vất vả và áp lực của thầy cô và nhà trường trong bối cảnh hiện nay", anh Sang chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn