MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từ năm 2023, đề thi môn Ngữ văn sẽ không sử dụng văn bản trong SGK. Ảnh: T.Vân

Chấm dứt dạy theo văn mẫu, đổi mới dạy học Ngữ văn cần bắt đầu từ giáo viên

Lê Thị Thùy Vinh - Trường ĐHSP Hà Nội 2 LDO | 09/09/2022 16:56

Giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn cần phải có những kỹ năng cần thiết để lựa chọn những ngữ liệu mở rộng, góp phần giúp học sinh phát triển năng lực đọc hiểu văn bản, tránh việc đọc chép, dạy học theo văn mẫu.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông nhằm khắc phục tình trạng dạy học nặng nề về thuyết giảng, đọc chép và yêu cầu thuộc lòng theo văn mẫu.

Quy định mới này yêu cầu giáo viên chú trọng vào việc cho người học “cần câu” chứ không phải cho người học “con cá”. Công văn ghi rõ “ngữ liệu là phương tiện và việc tìm hiểu ngữ liệu là cách thức để hình thành, phát triển năng lực đọc hiểu văn bản”. Điều đó cho thấy, ngữ liệu không phải là đích đến trong hoạt động giảng dạy mà cách thức đọc hiểu ngữ liệu mới là điều tiên quyết người dạy cần hướng dẫn người học.

Trên cơ sở những vấn đề mà công văn 3175 đặt ra, giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn cũng cần phải có những kỹ năng cần thiết để lựa chọn những ngữ liệu mở rộng góp phần giúp học sinh phát triển năng lực đọc hiểu văn bản.

Dưới đây là một vài gợi ý của chúng tôi trong việc chọn ngữ liệu:

Trước hết, giáo viên phải bám sát những cầu cần đạt về đọc hiểu trong chương trình Ngữ văn các bậc học nói chung cũng như các khối lớp nói riêng. Những yêu cầu cần đạt này cũng có sự khác biệt ở các kiểu văn bản và thể loại văn bản ở các khối lớp.

Ví dụ, đối với cấp THPT, yêu cầu cần đạt về kỹ năng đọc trong Chương trình GDPT ghi rõ: “Biết vận dụng kiến thức tiếng Việt và kiến thức về bối cảnh lịch sử, xã hội, tư tưởng, triết học và quan niệm thẩm mĩ của các thời kỳ để hiểu các văn bản khó hơn (thể hiện qua dung lượng, độ phức tạp và yêu cầu đọc hiểu).

Biết phân tích, đánh giá nội dung và đặc điểm nổi bật về hình thức biểu đạt của văn bản, nhất là những tìm tòi sáng tạo về ngôn ngữ, cách viết và kiểu văn bản. Học sinh có cách nhìn, cách nghĩ về con người và cuộc sống theo cảm quan riêng; thấy được vai trò và tác dụng của việc đọc đối với bản thân”.

Thứ hai, giáo viên cần lựa chọn những văn bản phù hợp với kinh nghiệm, năng lực nhận thức, đặc điểm tâm sinh lý của học sinh ở từng lớp học, cấp học (lưu ý lựa chọn những văn bản có độ dài, độ phức tạp tương thích với trình độ người học). Đồng thời, văn bản cũng phải đảm bảo tính vừa sức, hướng đến thúc đẩy kỹ năng tư đọc, tự học của học sinh.

Thứ ba, lựa chọn những văn bản có giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật; nhất là có tính chuẩn mực và sáng tạo về ngôn ngữ hướng đến giáo dục ngôn ngữ, giáo dục thẩm mỹ cho học sinh. Có thể lựa chọn văn bản từ những tác giả nổi tiếng cũng như những văn bản được các giải thưởng cũng như được công chúng đánh giá cao.

Thứ tư, lựa chọn những văn bản đảm bảo tính hiện đại, sinh động, hấp dẫn, tạo hứng thú học tập cho người học.

Thứ năm, giáo viên cũng cần lưu ý lựa chọn những văn bản có nguồn tin cậy, rõ ràng. Cụ thể là, đối với ngữ liệu sách in cần lựa chọn những văn bản có đủ thông tin về tác giả, năm xuất bản, nhà xuất bản. Đối với ngữ liệu từ mạng Internet, cần lựa chọn ngữ liệu có đường link truy cập từ các web tin cậy. Điều này sẽ giúp cho việc lựa chọn ngữ liệu tránh được những sai sót về ngôn ngữ của ngữ liệu.

Hiện nay, trên thị trường sách phổ thông, đã xuất hiện nhiều đầu sách hỗ trợ cho người dạy và người học những ngữ liệu đọc hiểu mở rộng. Giáo viên cũng có thể căn cứ vào những gợi ý từ những bộ sách tham khảo để lựa chọn các ngữ liệu mở rộng phục vụ cho hoạt động đọc hiểu văn bản trong nhà trường cũng như xây dựng các đề kiểm tra, đánh giá.

Như thế, việc lựa chọn ngữ liệu đọc hiểu là một vấn đề rất cần thiết đối với giáo viên trong quá trình giảng dạy. Bởi ngữ liệu đọc hiểu sẽ vừa giúp học sinh mở rộng vốn tri thức về thể loại, về kiểu văn bản lại vừa giúp học sinh có thể thúc đẩy kỹ năng tự đọc, tự học của mình.

Vì thế, bước đầu, giáo viên cần phải lựa chọn, hướng dẫn, hỗ trợ học sinh đọc hiểu mở rộng những ngữ liệu mới, từ đó các em sẽ tự lựa chọn những ngữ liệu của riêng mình, thúc đẩy quá trình tự đọc hiểu một cách hiệu quả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn