MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trường THCS bán trú Canh Thuận. Ảnh: Hoài Luân

Chậm lương, nợ chế độ giáo viên ở Bình Định: Lúng túng giải quyết, hướng dẫn vòng vèo

Hoài Phương LDO | 03/07/2024 07:21

Liên quan đến vụ việc tập thể giáo viên Trường THCS bán trú Canh Thuận (huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) nhiều lần đưa đơn đến các cấp để “đòi quyền lợi” nhưng bất thành, đến nay, các khoản lương bị chậm đã được UBND huyện Vân Canh bố trí kinh phí chi trả. Tuy nhiên, khoản tiền chế độ dạy thêm giờ, thêm lớp năm học 2022-2023 thì vẫn còn... trên giấy.

Chậm giải quyết vì cơ quan chuyên môn bận họp

Gần 2 tháng qua, từ khi hay tin lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định đã vào cuộc chỉ đạo, yêu cầu UBND huyện Vân Canh cùng các bên liên quan giải quyết, chi trả lương, chế độ sau loạt bài phản ánh của Báo Lao Động, tập thể giáo viên Trường THCS bán trú Canh Thuận (Trường Canh Thuận) phần nào cảm thấy an tâm, vì đã nhanh chóng nhận được các khoản lương bị chậm.

Tuy vậy, vui mừng, phấn khởi chưa lâu, các giáo viên lại rơi vào trầm tư, bởi khoản tiền chế độ dạy thêm giờ, thêm lớp của năm học 2022-2023 đến nay vẫn chưa được chi trả, dù lãnh đạo huyện Vân Canh đã hứa sẽ cố gắng giải quyết trong tháng 6.2024.
Chia sẻ với Lao Động, cô Phạm Thị Nga (tên nhân vật đã được thay đổi) - giáo viên Trường Canh Thuận cảm thấy thất vọng, vì khoản tiền chế độ dạy tăng tiết vẫn chưa rõ ngày chi trả.

"Lãnh đạo huyện hứa sẽ giải quyết, chi trả tiền trong tháng 6 nhưng sang tháng 7 rồi mà vẫn chưa thấy tiền đâu. Tôi rất thất vọng", cô Nga rầu rĩ nói.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Việt - Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh - thừa nhận, địa phương còn lúng túng trong việc giải quyết chi trả tiền chế độ dạy thêm giờ, thêm lớp năm học 2022-2023 cho các giáo viên, vì các cơ quan chuyên môn (Phòng Tài chính, Phòng Nội vụ và Phòng GDĐT) của huyện "chưa rảnh" để cùng họp bàn, đề xuất hướng xử lý.

"Trong tháng 6 địa phương vẫn chưa thể chi trả tiền chế độ này cho giáo viên vì các cơ quan chuyên môn vẫn chưa có hướng đề xuất, hay trả lời dứt điểm về việc giải quyết vấn đề trên. Bây giờ chi trả thì lấy kinh phí từ nguồn nào, ở đâu, bố trí ra sao thì phải chờ các cơ quan chuyên môn có đề xuất hướng giải quyết cụ thể. Tôi sẽ tiếp tục đôn đốc các cơ quan chuyên môn sớm tổ chức họp, để có hướng xử lý", ông Việt cho hay.

Muốn gỡ vướng, phải đến tận nơi

Thông tin với Lao Động, ông Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - cho biết, tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm tại UBND huyện Vân Canh (ngày 27.6), ông Giang đã tiếp tục chỉ đạo, yêu cầu địa phương này khẩn trương giải quyết chế độ dạy thêm giờ, thêm lớp năm 2022-2023 cho giáo viên.

"Tại cuộc họp với UBND huyện Vân Canh, tôi đã yêu cầu địa phương này thay đổi cách làm việc, không có gửi văn bản mà phải đến làm việc trực tiếp với sở chuyên môn, để họ hướng dẫn, hỗ trợ cách giải quyết vướng mắc. Chuyển giao công tác quản lý các đơn vị trường học là cả tỉnh làm chứ không phải riêng gì Vân Canh. Có thể chấp nhận rằng trình độ chuyên môn, nhận thức của anh em ở huyện miền núi còn chậm, tuy nhiên chậm thì phải lên gặp gỡ các sở chuyên môn để họ chỉ cách làm, còn cứ làm theo kiểu cũ thì sẽ bị tụt hậu. Tôi đã yêu cầu địa phương này khẩn trương giải quyết, chứ không thể để kéo dài được", ông Lâm Hải Giang nói.

Nợ chế độ dạy tăng tiết năm học 2022-2023 gần 315 triệu đồng

Nhiều tháng qua, tập thể thầy cô giáo tại Trường Canh Thuận liên tiếp gửi đơn đến UBND huyện Vân Canh và các cơ quan, đơn vị của huyện này, đề nghị xem xét giải quyết chi trả chế độ dạy tăng tiết của năm học 2022-2023. Năm học 2022-2023, tổng số tiền tăng giờ trong năm học này là gần 315 triệu đồng. Sau nhiều lần đưa đơn “đòi quyền lợi”, đến nay, tập thể giáo viên vẫn chưa nhận được tiền. Theo tìm hiểu của PV, trong tập thể 16 thầy cô giáo này, có không ít giáo viên là người đồng bào dân tộc thiểu số, hầu như chỉ trông chờ vào đồng lương hàng tháng, tiền chế độ trong công tác giảng dạy để nuôi sống gia đình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn