MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các khách mời tham gia Tọa đàm “Chặn đứng tiêu cực thi cử - giữ môi trường giáo dục trong sạch”. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Chặn đứng tiêu cực thi cử: Thấy những nỗi đau để cảnh tỉnh!

NHÓM PV LDO | 10/08/2018 06:25
Tại tọa đàm trực tiếp với chủ đề “Chặn đứng tiêu cực thi cử - giữ môi trường giáo dục trong sạch” do Báo Lao Động tổ chức ngày 9.8, nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn và giải pháp của các chuyên gia đã được đưa ra để năm học tới không lặp lại những câu chuyện buồn tương tự như gian lận thi ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình trong ngành giáo dục.

Tội phạm nhà giáo xót xa hơn những tội phạm khác

Thẳng thắn bày tỏ về những gian lận điểm thi trong thời gian qua, TS Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - nhận định: “Khi nhìn những hình ảnh thầy cô bị tra tay vào còng số 8, tôi thực sự rất đau xót, buồn.

Ở đây rõ ràng liên quan đến trách nhiệm cá nhân của những người có nhiệm vụ trong kỳ thi vừa rồi tại 3 địa phương Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Bên cạnh đó, 7 thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục bị tạm giam để điều tra cũng là điều đáng suy nghĩ về sự xuống cấp của đạo đức, của một bộ phận nhà giáo.

Đồng quan điểm, TS Lê Thống Nhất xót xa: “Lâu nay người ta nghĩ tội phạm thường có trong những lĩnh vực khác, không phải trong lĩnh vực giáo dục. Vì vậy sự việc này là một cú sốc không chỉ cho cá nhân tôi, mà là cú sốc cho các thầy cô, học sinh và cho cả xã hội. Sự việc tạo nên cảm xúc vừa đau xót, vừa phẫn nộ. Tôi nghĩ đây chính là những kẻ phá hoại kỳ thi của chúng ta, đáng bị lên án”.

Là người trong cuộc trực tiếp xử lý công việc ở các tỉnh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh cũng bày tỏ sự đau lòng, phẫn nộ và quyết tâm tìm ra sự thật, trả lại sự công bằng học sinh, cho kỳ thi và niềm tin cho xã hội.

“Tôi cho rằng những sự sai phạm này là cá biệt và thực sự rất xấu. Nó ảnh hưởng đến sự nỗ lực của 63 tỉnh, thành và thậm chí là cả hệ thống chính trị xã hội, cả sự nỗ lực của cả địa phương. Nó đã làm mất đi sự công bằng của kỳ thi, làm tổn thương rất lớn đến đội ngũ hơn một triệu nhà giáo chân chính, đến gần một triệu thí sinh đến phòng thi bằng nỗ lực, cố gắng của mình. Ảnh hưởng đến tâm hồn rất trong sáng của các em. Đặc biệt việc này đã làm tổn thương đến niềm tin của xã hội. Sẽ không có lời biện hộ nào cho những người đã gây ra những sai phạm vừa qua” - ông Trinh nói.

Các đại biểu cũng đồng tình với quan điểm của Cục trưởng Mai Văn Trinh khi cho rằng “Chúng ta phải xác định đây là nỗi đau, nhưng thông qua việc xử lý nghiêm, đúng người, đúng việc, đúng tội và kiên quyết đưa ra khỏi ngành những người có vi phạm này, sẽ là một sự cảnh tỉnh. Đây cũng là bước nhắc nhở rất nghiêm túc với ngành GDĐT trong công tác lựa chọn cán bộ”.

Cần kết hợp khéo léo giữa công nghệ và con người

Bàn về các giải pháp chặn đứng tiêu cực, giữ môi trường giáo dục trong sạch, PGS-TS Bùi Thị An cho rằng không chỉ chú trọng bồi dưỡng chuyên môn mà còn cần đề cao vấn đề phẩm cách con người.

“Sự việc là một cú sốc là bởi nó diễn ra trước hàng triệu đôi mắt trong trẻo của các em học sinh. Các em chuẩn bị bước vào đời thì phải chứng kiến cảnh thầy cô bị tra tay vào còng. Thực sự tôi bức xúc thay cho các em. Tôi không có lời nào để biện hộ cho hành động của họ. Tôi nghĩ vườn rau nào cũng có sâu thôi. Đây là những con sâu mà chúng ta phải loại bỏ khỏi ngành giáo dục, để năm sau không lặp lại câu chuyện buồn này” - bà An chia sẻ.

Bà An cũng cho rằng tất cả phải bắt đầu từ thầy cô. Cần quan tâm, chú trọng tới đội ngũ thầy cô ngày từ khâu tuyển sinh vào trường sư phạm, tiếp đến là quá trình đào tạo rồi sau đó cần phải quan tâm đến đời sống của thầy cô hơn nữa, như về lương bổng, môi trường giảng dạy.

Ở một góc nhìn khác, TS Lê Thống Nhất lại cho rằng nếu như chúng ta chỉ nói về vấn đề con người thì sẽ luôn luôn thất bại bởi vì không biết được cách thay đổi con người để họ trở thành người tốt. Chúng ta cố gắng bao nhiêu thì kẻ xấu vẫn còn. Vì thế tuyệt đối không thể tin vào con người mà cần một biện pháp công nghệ chặt chẽ.

Cần một sự khéo léo, kết hợp bài bản là ý kiến của TS Phạm Tất Thắng. Với sự phát triển của công nghệ như hiện nay thì chúng ta nên tận dụng ưu thế của công nghệ vào cuộc sống, trong đó có kỳ thi THPT quốc gia.

“Công nghệ, quy trình đều do con người thực hiện nên chúng ta vẫn phải tin vào con người. Nhưng quy trình phải chặt chẽ, phải được xây dựng làm sao càng chặt chẽ loại trừ được yếu tố cảm tính, yếu tố tác động của con người một cách không chuẩn mực vào quy trình đó. Cần quy định rõ trách nhiệm của từng khâu, của từng cá nhân, thì mới giám sát, quy định chế tài nếu như gian lận xảy ra” - ông Thắng góp ý.

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh nhấn mạnh tới niềm tin trong giáo dục: “Tôi xuất thân là nhà giáo và cũng rất hứng thú với việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực của mình. Nếu về mặt chuyên môn, tôi là một trong những người đầu tiên ứng dụng công nghệ vào dạy học Vật lý ở nước ta nên bây giờ để bình luận về ý kiến mà các chuyên gia đưa ra, tôi cho rằng giáo dục phải xây dựng trên một nguyên lý rất căn bản, đó là niềm tin. Nếu không có niềm tin chắc chắn không còn giáo dục. Nhưng niềm tin này phải đặt ở đúng chỗ và trong một không gian quản lý triệt để ứng dụng công nghệ, chứ không phải niềm tin đặt một cách vu vơ, cảm tính. Tôi nghĩ rằng giải pháp căn bản vẫn phải là xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn