MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chàng trai làm việc 16 tiếng/ngày để tích lũy tiền đi học

Vân Trang LDO | 05/06/2024 06:29

Anh Phạm Việt Hùng (sinh năm 1989, ở một tỉnh Tây Nguyên) đã làm việc 16 tiếng/ngày trong vòng 2 năm để tích lũy tiền đi học ở độ tuổi 35.

Đi học ở tuổi 35 liệu có phải thất bại?

Năm 2012, anh Phạm Việt Hùng tốt nghiệp ngành công nghệ môi trường tại Trường Đại học Lạc Hồng và gắn bó với hoá chất, axit, kiềm tại một công ty môi trường ở Đắk Nông trong vòng 4 năm.

Cảm thấy công việc quá độc hại, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, Việt Hùng quyết định chuyển sang làm cafe. Sau đó, anh lại tiếp tục "nhảy việc" sang làm quản lý homestay và lễ tân. Ngoài ra, anh cũng từng làm nhiều việc khác nhau như giao hàng, phục vụ, pha chế...

“Trước đây, cuộc sống của tôi khá yên bình. Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 diễn ra, tôi không thể ra ngoài kiếm tiền; lúc đó, tôi đã lóe lên suy nghĩ tìm thêm con đường khác để đi. Ban đầu, tôi suy nghĩ đến công nghệ thông tin, bởi ngành này có thể làm tại nhà.

Phạm Việt Hùng hiện đang học chuyên ngành lập trình game tại Trường Cao đẳng FPT Polytechnic cơ sở Tây Nguyên. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, với độ tuổi của tôi, nếu học rộng như hệ thống thông tin quản lý sẽ khó khăn nên tôi đã tìm hiểu và quyết định theo đuổi lập trình game” - Hùng nhớ lại.

Đây cũng là động lực giúp Hùng quyết định theo đuổi chuyên ngành lập trình game tại Trường Cao đẳng FPT Polytechnic cơ sở Tây Nguyên. Ngay trong kỳ học đầu tiên, Hùng xếp vị trí thứ 2 trong nhóm 50 sinh viên toàn trường đứng đầu học kỳ Fall 2023.

Trước khi quay lại làm sinh viên, anh đã suy nghĩ đến vấn đề đi học lại ở tuổi 35 và nộp CV (hồ sơ ứng tuyển việc làm) ở tuổi 37 sẽ khó có cơ hội để được tuyển dụng. Giảng viên trong trường cũng khẳng định ở độ tuổi này, được đi làm tại một công ty lớn không phải là việc dễ dàng.

Tuy nhiên, với Việt Hùng, khi sống ở thời đại 4.0, nếu không bắt đầu từ bây giờ thì bao giờ khởi động?

Hùng đi du lịch Hà Giang cùng bạn và gặp gỡ các em nhỏ trên vùng cao nguyên đá. Ảnh: NVCC

“Theo tôi tính, tuổi nghề của mỗi người sẽ khoảng tầm 50 năm, nếu ở tuổi 40 tôi bắt đầu nghĩa là tôi chỉ có 10 năm để phát triển sự nghiệp. Tôi đi học không nhằm mục đích làm nên kỳ tích được đi làm ở công ty lớn. Tôi đi học để thu nhận thêm kiến thức. Để thành công trong nghề hay lĩnh vực nào đó, chúng ta cần kinh nghiệm và phải trải qua va vấp” - Hùng tâm sự.

Trong trường hợp các công ty không tuyển anh trong tương lai, anh dự định sẽ làm online vì nhận thấy thị trường trực tuyến do bên thứ 3 cung cấp khá phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, anh cũng xác định, sau khi ra trường anh vẫn sẽ nộp CV và quyết tâm không từ bỏ bất kỳ cơ hội việc làm nào.

Làm việc 16 tiếng/ngày trong 2 năm để tích lũy tiền đi học

Khi dịch bệnh qua đi, Hùng mất 2 năm để chuẩn bị kinh phí học tập cũng như chi phí sinh hoạt hàng ngày. Anh dành ra 16 tiếng mỗi ngày để làm 2-3 công việc. Cũng trong thời gian đó, Việt Hùng học thêm ngành minh họa game với hình thức online nhưng không nhìn thấy tương lai nên quyết định nghỉ hẳn.

Lựa chọn hướng đi mới, Hùng cho biết, anh không thay đổi ngành nghề mà tạo thêm con đường phát triển trong tương lai.

Việt Hùng tâm sự, đi học ở tuổi 35 không đáng ngại, anh chỉ sợ bản thân không theo kịp được thầy cô, bạn bè. Khi đi học, anh nhận thấy, không chỉ bạn học mà có một số thầy cô còn nhỏ tuổi hơn anh. Tuy nhiên, với kinh nghiệm học tập nhiều năm, Hùng đi học và tiếp thu kiến thức từ các giảng viên nhìn chung khá dễ dàng.

“Thật may so với 10 năm trước, công nghệ phát triển nên có nhiều cách để tôi tiếp cận với thông tin nhanh chóng. Thầy cô trên trường truyền đạt kiến thức và giúp sinh viên biết được những từ khóa quan trọng để nghiên cứu thêm nhưng chủ yếu vẫn là tự học” - Hùng tâm sự.

Vừa học vừa làm, Việt Hùng dành 8 tiếng cho công việc, 6-8 tiếng để nghỉ ngơi, 3-4 tiếng để học tập, 4 tiếng còn lại dành cho các nhu cầu khác. Trong ca trực, sau khi làm xong việc, anh thường tranh thủ nghiên cứu và làm bài tập.

Thầy Hiếu - giảng viên bộ môn lập trình game bằng Unity tại FPT Polytechnic Tây Nguyên - bày tỏ sự bất ngờ về sinh viên lớn tuổi này: “Tôi nghĩ rằng, để "quay đầu" theo đuổi một ngành khác sau bạn đồng trang lứa 2, 3 năm có thể khiến nhiều người nhụt chí, chùn bước.

Tiếp cận với công nghệ là điều khó khăn của thế hệ 8x so với giới trẻ. Dành 2 năm đi học ở trường lớp để bắt đầu với một ngành mới theo tôi là quyết định vô cùng khó khăn, ít ai dám làm”.

Trong tương lai, Việt Hùng hy vọng sẽ có được thành quả xứng đáng, tạo ra game quảng bá nét đẹp về lịch sử, phong cảnh Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn