MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Lê Thống Nhất phát biểu tại hội thảo. Ảnh: B.H

Chất lượng giáo dục Việt Nam: Tại sao trên bảo tốt, dưới bảo không?

Đặng Chung LDO | 22/09/2017 18:58
TS Lê Thống Nhất thẳng thắn cho rằng việc đánh giá chất lượng giáo dục đang có sự “vênh nhau”: Tại sao trên bảo tốt - dưới bảo không tốt”.

Đánh giá chất lượng có sự “vênh nhau”

Tại hội thảo giáo dục 2017 về “Chất lượng giáo dục phổ thông” (do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 22.9, tại Hà Nội), vấn đề đánh giá chất lượng giáo dục VN được bàn luận sôi nổi. Ba chủ đề chính được đề cập chuyên sâu tại hội thảo gồm chương trình giáo dục, đội ngũ giáo viên và vấn đề quản lý giáo dục. Đây là 3 nhân tố căn bản để nâng chất lượng giáo dục phổ thông.

TS Lê Thống Nhất thẳng thắn cho rằng việc đánh giá chất lượng giáo dục đang có sự “vênh nhau”: “Chúng ta có quá nhiều đánh giá về thành tích, nhưng tại sao trên bảo tốt - dưới bảo không tốt”.

Điển hình là kết quả chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) năm 2015, Việt Nam xếp thứ hạng cao, thậm chí “vượt mặt” các nước tiên tiến trên thế giới, nhưng đa phần người dân Việt Nam không tin đó là sự thật.

Hay mô hình VNEN, Bộ GDĐT nói tốt, Ngân hàng Thế giới cũng đánh giá cao, trong khi đó phụ huynh nhiều nơi lại phản đối.

TS Lê Quang Minh (Trung tâm đào tạo quản lý tiên tiến, Viện Quản trị Đại học, ĐHQG TPHCM) cho rằng đánh giá có sự “vênh nhau” là do đang có sự khác biệt lớn trong quan điểm về "chất lượng giáo dục" giữa nhà nước, địa phương, nhà trường, phụ huynh và giáo viên.

Trong khi Nhà nước nhìn nhận chất lượng nằm ở mục tiêu chiến lược phát triển đất nước, quan điểm toàn diện, các tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, thì đối với địa phương, chất lượng phải là đạt các chuẩn quốc gia, các chỉ tiêu "được trên giao".

Chất lượng giáo dục phổ thông của VN đã tốt chưa?

Dù còn nhiều tranh cãi, TS Lê Quang Minh cho rằng giáo dục phổ thông VN có chất lượng, nhưng chưa được người Việt “công nhận”.

TS Lê Quang Minh. Ảnh: Lệ Thu.

Ông dẫn chứng kết quả chương trình đánh giá học sinh quốc tế, VN được thế giới khâm phục. Có kết quả này là do Việt Nam có nhiều chính sách giáo dục tạo độ sâu cần thiết cho chương trình đào tạo.

Ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội - cho rằng, tổng thể giáo dục phổ thông là bức tranh màu sáng, nhưng so với yêu cầu hội nhập thì còn phải phấn đấu nhiều.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa thẳng thắn: Giáo dục phổ thông còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là năng lực ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng của học sinh VN còn hạn chế, công tác hướng nghiệp cũng chưa tốt…

Ông Nguyễn Đình Anh - nguyên Trưởng Phòng giáo dục chuyên nghiệp, Sở GDĐT Nghệ An cho rằng, hiện 70% giáo viên đứng lớp không có năng khiếu sư phạm. Để đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục, cần thiết phải tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng giáo viên, vì đây là đội ngũ quan trọng quyết định thành công của đổi mới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn