MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chật vật giao tiếp tiếng Anh dù đủ chuẩn đầu ra của trường

KHÁNH AN LDO | 10/02/2023 12:35
Nhiều sinh viên đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh của trường nhưng lại không tự tin giao tiếp và sử dụng ngoại ngữ này khi đi làm. 

Nguyễn Thị Ngọc - cựu sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết thời điểm nhập học, cô phải tham gia kỳ thi sàng lọc tiếng Anh đầu vào để phân loại. Nếu vượt qua, sinh viên được phép tùy ý học 14 tín chỉ ngoại ngữ (chia thành 3 kỳ) và thi chuẩn đầu ra tại trường, hoặc thi chứng chỉ tiếng Anh bên ngoài nộp về phòng đào tạo.

Do không vượt qua kỳ thi này nên Ngọc được phân vào lớp Tiếng Anh cơ bản. Sau một kỳ học, Ngọc thi lại và vượt qua kỳ thi sàng lọc này. 

Nhớ lại thời gian học lớp học tiếng Anh cơ bản, Ngọc cho biết cảm thấy “học không vào” do bản thân không chịu luyện tập, còn cách dạy của giáo viên nặng nề ngữ pháp, thiếu thực hành. “Do vậy, mình quyết định không học tín chỉ tiếng Anh tại trường mà đăng ký học trung tâm luyện thi VSTEP để đạt chuẩn đầu ra” - Ngọc nói. 

Lần thi đầu tiên, do trùng thời điểm làm khoá luận tốt nghiệp nên Ngọc không tập trung thi VSTEP và bị trượt. Với lần thi thứ 2, cô cho biết nhờ học tủ, học mẹo nên may mắn đạt đủ điều kiện để ra trường - chuẩn đầu ra B1 (bậc 3 VSTEP).

Đánh giá theo khung trình độ chung Châu Âu thì người nhận chứng chỉ tiếng Anh B1 đủ khả năng sử dụng tiếng Anh giao tiếp với người bản ngữ trong cuộc sống hàng ngày, đọc sách, tạp chí có nội dung cơ bản hoặc ghi chép trong cuộc họp.

Hiện tại, Ngọc làm việc trong một công ty truyền thông. Công việc của cô đòi hỏi nền tảng kiến thức tiếng Anh tốt. Tuy nhiên, cô lại ngại giao tiếp tiếng Anh, luôn phải nhờ đến các công cụ dịch trong quá trình làm việc với đối tác.

“Mình vừa đăng ký một khoá học thêm tiếng Anh ở bên ngoài với giá 20 triệu đồng. Mục đích học tập của mình không để dự thi lấy chứng chỉ mà để thành thạo ngôn ngữ này, tự tin hơn trong quá trình làm việc” – cô chia sẻ. 

  Thanh Nga đang dành thời gian ôn luyện IELTS mỗi ngày. Ảnh: Khánh An

Hoàng Thanh Nga - cựu sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng đang trong tình trạng tương tự. Dù đạt chuẩn đầu ra B2, cô khẳng định khó vận dụng tiếng Anh trong quá trình làm việc. 

Nga cho biết việc học tiếng Anh tại trường không quá khó, nhưng chất lượng học tập không như mong muốn. Hầu hết các tiết học chỉ tập trung vào 2 kỹ năng đọc và viết, thay vì luyện thêm kỹ năng nghe, nói cho sinh viên.

“Thời điểm đó mình đi học với tâm thế để thi qua môn, đạt yêu cầu tốt nghiệp. Vì vậy, sau khi thi xong, mình không thường xuyên luyện tập tiếng Anh” – cô nói. 

Nga đang lên kế hoạch tiết kiệm tiền để đăng kí học 1 khoá IELTS bài bản. Việc có chứng chỉ quốc tế giúp cô dễ dàng thăng tiến trong công việc hiện tại. 

Còn cô Nguyễn Ngọc Anh - giáo viên tại một trung tâm tiếng Anh tại Hà Nội - cho biết, dù tiếng Anh đã được đưa vào chương trình giảng dạy nhiều năm, có nhiều thay đổi tích cực hơn trước. Thế nhưng đến nay, chương trình học vẫn nặng nề ngữ pháp, thiếu thực hành. 

"Điều này dẫn đến tình trạng dù đạt chuẩn đầu ra, nhiều sinh viên vẫn không ứng dụng được vào thực tế" - cô Ngọc Anh nói. 

Để giải quyết thực trạng này, nghiên cứu sinh Lê Đình Hiếu (Trường Đại học Johns Hopkins) - chuyên gia cao cấp từ tổ chức giáo dục MAX Education - cho rằng nhà trường nên cân nhắc nghiên cứu việc sử dụng ngoại ngữ một cách phổ biến hơn, đưa ngoại ngữ vào sử dụng trong học tập và làm việc, trở thành công cụ để tiếp cận nhiều lĩnh vực, thay vì coi đó là môn học hay chỉ để thi.

“Điều đó không có nghĩa là chúng ta thay thế tiếng Việt, thay vào đó, có thể phân bổ thời gian cho việc ứng dụng ngoại ngữ. Ví dụ, một tuần học sinh học 35-40 tiết, có thể phân bổ 5-7 tiết sử dụng ngoại ngữ để giảng dạy. 

Một số trường tại TPHCM hiện nay giảng dạy một số môn học bằng tiếng Anh. Điều này giúp các em làm quen, tiếp cận với tài liệu nước ngoài, chuẩn bị cho việc học đại học, đồng thời được thực hành ngoại ngữ thường xuyên”, ông Hiếu nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn