MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thầy Nguyễn Thành Nam lưu ý học sinh phân bổ thời gian hợp lý trong khi làm bài thi.

Chiến thuật làm bài thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đạt điểm 9, 10

Nguyễn Thành Nam - Giáo viên môn Vật lý LDO | 05/08/2020 09:30

Chỉ còn vài ngày nữa Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ chính thức diễn ra. Để giúp thí sinh bước vào kỳ thi với tâm thế tốt nhất, Báo Lao Động giới thiệu bài viết của những giáo viên nhiều kinh nghiệm, có uy tín ở tất cả các môn học, đưa ra lời khuyên với thí sinh trước khi bước vào kỳ thi quan trọng.

Mở đầu là bài viết của thầy Nguyễn Thành Nam - giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự,  giáo viên luyện thi THPT môn Vật lý - Hệ thống Giáo dục HOCMAI: 

Phân bổ thời gian làm bài hợp lý  

Với các thí sinh thi đợt 1, chỉ còn vài ngày nữa Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ chính thức diễn ra. Vậy các thí sinh nên ưu tiên tập trung vào công việc gì để nâng cao tối đa được điểm số ? Đó là phải luyện tập cho nhuần nhuyễn chiến thuật làm bài thi.

Trong bài này, thầy Nam sẽ hướng dẫn các bạn cách xây dựng cho mình một chiến thuật làm bài thi THPT môn Vật Lí phù hợp tốt với mục tiêu điểm số và năng lực học tập của các bạn.

Thầy Nguyễn Thành Nam dặn dò, lưu ý học sinh khi làm bài thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Trước tiên, chúng ta cần xem lại vấn đề lớn nhất mà thí sinh thường mắc phải trong khi làm bài thi là gì?

Đó là không quản trị được thời gian làm bài khiến cho kết quả thi bị thấp hơn năng lực thực tế.

Rất nhiều bạn mắc lỗi phân phối thời gian không phù hợp giữa các phần, dành quá nhiều thời gian cho một số câu hỏi khó trong khi bỏ lỡ những câu mà mình có thể làm được.

Để có thể khắc phục được những vấn đề trên đây, các bạn cần xây dựng cho mình một chiến thuật làm bài thi vừa phù hợp với năng lực, với mục tiêu điểm số, nhưng không hạn chế cơ hội để vượt lên mức điểm cao hơn. Cốt lõi của việc này là phải xây dựng cho được một bảng phân phối thời gian để vận dụng trong quá trình làm bài.

Đầu tiên, chúng ta quy ước phân loại câu hỏi trong bài thi thành 4 hạng: 15 câu đầu tiên là hạng 1 (H1); các câu từ 16 đến 30 là hạng 2 (H2); các câu từ 31 đến 35 là hạng 3 (H3); và 5 câu cuối cùng là hạng 4 (H4).

Bảng phân chia thời gian tương ứng với mục tiêu điểm số cần đạt.

Việc phân bổ thời gian cần được tiến hành theo 3 bước:

- Bước thứ nhất là dựa trên mục tiêu điểm số để xác định được số câu hỏi tối thiểu cần chủ động làm và làm đúng.

 Chúng ta đã biết là đề thi Vật lý gồm 40 câu hỏi, mỗi câu có 4 lựa chọn A, B, C, và D. Như vậy xác suất để trả lời ngẫu nhiên đúng một câu hỏi bất kỳ là 1/4. Điều này có nghĩa là, ngay cả với người không có kiến thức, chỉ bằng đoán mò cũng có thể đạt điểm số trung bình là 0,25×40×1/4 = 2,5 điểm.

Nếu thí sinh có năng lực làm được N câu hỏi (biết cách làm, làm đúng, và làm kịp thời gian) thì chỉ phải đoán mò (40 - N) câu còn lại, như vậy điểm trung bình thí sinh có thể đạt được là Đ = 0,25×N + 0,25×(40-N)×1/4 = 0,1875×N + 2,5.

Từ công thức này ta suy ra để đạt được mức điểm mong muốn là Đ thì cần chủ động làm đúng được ít nhất N = (Đ - 2,5)/0,1875 câu hỏi trong đề thi và đoán ngẫu nhiên (40 - N) câu còn lại, ta tính ra được bảng phía dưới.

Mỗi thí sinh tùy theo năng lực và mục đích cần chọn cho mình một mức điểm mục tiêu và số câu hỏi cần làm được tương ứng.

- Trong bước thứ hai, căn cứ vào tổng số câu hỏi cần hoàn thành theo mục tiêu điểm số đã chọn ở trên để phân bổ thời gian làm bài.

- Bước cuối cùng là áp dụng khung thời gian vào trong quá trình làm bài thi thử.

Các em cần kiểm soát để tổng thời gian dành cho một hạng câu hỏi không bị vượt khung thời gian đã đặt ra và thời gian làm một câu hỏi không được vượt quá thời gian trung bình đã tính. Phải làm thận trọng nhưng với tốc độ cao nhất có thể.

Đừng bỏ sót bất cứ câu hỏi nào

Sau khi làm xong những câu hỏi có thể làm được, trong thời gian 2 phút cuối cùng trước khi hết giờ làm bài, các bạn tiến hành đoán mò những câu hỏi không làm được theo nguyên tắc: trong bảng trả lời câu hỏi, trong các cột A, B, C, D thường có một cột mà các bạn chọn vào ít nhất, hãy đoán mò tất cả các câu hỏi còn lại vào cột đó để xác suất đoán trúng là cao nhất. Tất nhiên là nếu có nhiều cột có số lựa chọn thấp nhất và đều bằng nhau thì tùy bạn, chọn vào cột nào cũng được.

Khi vào phòng thi, chỉ cần vận dụng tốt chiến thuật mà các em ôn luyện thuần thục thì chắc chắn sẽ thành công.

Chúc các em đạt được kết quả cao nhất trong kỳ thi tới !

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn