MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thầy Nguyễn Thành Nam - Giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự đưa ra gợi ý chiến thuật làm bài thi môn Vật lí kì thi tốt nghiệp THPT theo mục tiêu cụ thể.

Chinh phục bài thi Vật lí kì thi tốt nghiệp THPT theo mục tiêu điểm số

Tường Vân LDO | 01/07/2021 12:14

Chỉ còn ít ngày nữa, các thí sinh sẽ bước vào kì thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Thầy Nguyễn Thành Nam - Giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự - đưa ra gợi ý chiến thuật làm bài thi theo mục tiêu cụ thể.

This browser does not support the video element.

Thầy Nguyễn Thành Nam - Giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự, giáo viên Vật lí thuộc hệ thống HOCMAI chia sẻ chiến thuật làm bài thi môn Vật lí đạt điểm cao trong kì thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Phân bố thời gian theo từng mục tiêu cụ thể

Dựa trên đề minh họa môn Vật lí của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thầy Nam đánh giá rằng, đề thi năm sẽ có tới 90% kiến thức thuộc chương trình lớp 12 và 10% còn lại thuộc câu hỏi lớp 11 (tức chỉ có 4 câu hỏi).

Đề thi sẽ có sự phân hóa rõ ràng. Các câu hỏi ở nhóm thông hiểu sẽ rất dễ, còn nhóm câu hỏi ở mức độ vận dụng cao sẽ có độ khó "nhảy vọt", khác hẳn so với các câu hỏi ở phía trước. Do đó, để đạt được điểm cao, các em học sinh cần xác định rõ mục tiêu và có sự phân bổ thời gian làm bài hợp lí.

Thầy Nam đã đưa ra gợi ý chiến thuật phân bổ thời gian cụ thể như sau:

Với mức điểm 10, học sinh bắt buộc thực hiện đúng 40 câu hỏi trong đề thi. Thời gian làm bài nên phân bổ như sau:

- 15 câu đầu: 5 phút (20 giây/câu hỏi)

- 15 câu tiếp theo: 15 phút (1 giây/câu hỏi)

- 6 câu tiếp theo: 10 phút

- 4 câu cuối cùng: 20 phút

Đối với mục tiêu điểm 9: Học sinh cần làm đúng 36 câu

- 15 đầu: 10 phút (40 giây/câu hỏi)

- 15 câu tiếp theo: 20 phút (80 giây/câu hỏi)

- 6 câu tiếp theo: 20 phút

Đối với mục tiêu 8,5 điểm: học sinh cần làm đúng 34 câu

- 15 câu hỏi đầu tiên: 12 phút (48 giây/câu hỏi)

- 15 câu hỏi tiếp theo: 22 phút (88 giây/câu hỏi)

- 4 câu hỏi tiếp theo: 16 phút (4 phút/câu hỏi)

Đối với mục tiêu 8 điểm: Học sinh cần làm đúng 32 câu

- 15 câu hỏi đầu tiên: 15 phút (60 giây/câu hỏi)

- 15 câu hỏi tiếp theo: 15 phút (100 giây/câu hỏi)

- 2 câu hỏi tiếp theo: 10 phút (5 phút/câu hỏi)

"Cách phân bổ thời gian như trên không có nghĩa giới hạn các em chỉ đạt được số điểm nhất định. Các em vẫn có thể đạt được điểm cao hơn nếu có năng lực và mức độ đề thi dễ hơn so với quá trình ôn luyện" -thầy Nam giải thích.

Mỗi mục tiêu sẽ tương ứng với số câu hỏi tối thiểu học sinh cần làm đúng. Với câu hỏi còn lại, tùy thuộc vào thời gian, khả năng của mỗi em, nhưng nhớ tuyệt đối không được để trống đáp án. Câu nào khó quá không làm được phải sử dụng biện pháp khoanh ngẫu nhiên. Vì trong số các đáp án khoanh bừa, vẫn có xác suất đúng giúp tăng điểm số của bài thi.

"Trong đề thi, đáp án đúng được cấp phát ngẫu nhiên, nên xác suất đoán trúng là 1/4 cho tất cả các câu. Với những câu hỏi các em chưa làm được và cần sử dụng biện pháp đoán mò. Thầy khuyên các em nên khoanh vào đáp án nào mà các em chọn ít nhất lúc trước. Nhưng kèm theo điều kiện là các câu còn lại các em đã làm chính xác, cẩn thận" - thầy Nam nói.

Đánh dấu các câu hỏi cùng hạng

Học sinh sẽ làm tuần tự từ câu 1-40. Học sinh không cần dành thời gian để kiểm tra vì chắc chắn đề sắp xếp từ dễ đến khó mà chỉ cần đảm bảo đúng thời gian đã theo định mức của từng hạng câu hỏi, từng mục tiêu đã đặt ra.

Trong quá trình làm, các em nên đánh dấu, phân loại với các câu hỏi đã làm được, chưa làm được, còn phân vân, không làm được,... Như vậy, khi còn thời gian quay lại rà soát bài, các em sẽ nhanh chóng hình dung lại được câu hỏi, tránh bỏ sót câu và định hướng tiếp tục làm bài thi.

Chỉ còn ít ngày nữa là các sĩ tử bước vào kì thi quan trọng, thầy Nam khuyên các em học sinh ngoài việc ôn tập, cần chú ý ngủ đủ giấc, giữ cho bản thân khỏe mạnh, có tinh thần vững vàng nhất để đạt được mục tiêu đã đề ra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn