MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh, sinh viên mong muốn chất lượng giáo dục sẽ tăng tương ứng với việc tăng học phí. Ảnh: Vân Trang

Chính sách học phí đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục

Tường Vân - Chân Phúc LDO | 08/01/2024 08:23

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 97/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí. Trong đó Chính phủ quyết định giữ học phí phổ thông, học phí đại học tăng lùi một năm để chia sẻ khó khăn với người dân.

Học phí tăng cần đi kèm với chất lượng

Nghị định 97 đã điều chỉnh lùi lộ trình học phí của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập 1 năm so với quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.

Tức là, học phí năm học 2023-2024 của giáo dục đại học tăng so với học phí năm học 2022-2023 nhưng mức tăng thấp hơn so với lộ trình quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP để phù hợp với điều kiện thực tiễn và giảm bớt khó khăn cho học sinh, sinh viên.

TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GDĐT - đánh giá, Nghị định 97 tháo gỡ phần nào khó khăn cho các cơ sở giáo dục, nhất là giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Khi học phí thu cao nhà trường có thể dư chút tiền để hỗ trợ học sinh nghèo, học bổng tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn để một bộ phận sinh viên không phải vì túng thiếu mà bỏ học.

"Việc thu học phí tăng lên, chất lượng đào tạo tốt hơn, cơ hội việc làm tốt hơn và công bằng theo nghĩa trả cao hơn thì dịch vụ nhận được tốt hơn. Chưa kể, nếu bộ phận người giàu và khá có thể đóng học phí tăng cao, Nhà nước sẽ bớt được khoản đầu tư để dành cho vùng khó khăn, giúp cải thiện cơ hội bình đẳng tiếp cận giáo dục ở vùng nghèo và cho người nghèo" - ông Vinh phân tích.

Tuy nhiên, ông Vinh bày tỏ sự lo ngại, học phí tăng sẽ kèm theo những thách thức mà trước hết, đó là gánh nặng tài chính đặt lên vai sinh viên và gia đình.

"Nhiều sinh viên sẽ phải vừa lo đi học vừa đi làm để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Áp lực học tập và căng thẳng tài chính do học phí cao hơn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần các em" - ông Vinh chia sẻ.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, chuyên gia này cho rằng, Nhà nước phải có chính sách tín dụng để giảm thiểu sự bất bình đẳng giữa các nhóm đối tượng. Nhà trường cần có thêm các chính sách hỗ trợ học phí với những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Phần hỗ trợ này được trích từ 1 phần học phí tăng lên so với những năm học trước.

Nhiều chính sách hỗ trợ sinh viên

Dưới góc nhìn của cơ sở giáo dục, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải - cho rằng, hiện nay, học phí là một trong những nguồn thu chính của các trường đại học và ở Việt Nam. Chính vì vậy, việc nhiều năm liên tiếp không tăng học phí có ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của nhà trường cũng như ảnh hưởng đến người học.

"Nếu không thay đổi học phí, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, quá trình đào tạo. Tăng học phí hỗ trợ quá trình đào tạo, hoạt động của giảng viên và sinh viên. Việc tăng học phí tạo điều kiện thuận lợi, cơ hội để trường căn cứ, có kế hoạch phát triển trong vài năm tới" - ông Chương nói.

Song song với việc tăng học phí, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải chia sẻ, hằng năm, ngoài chính sách hỗ trợ theo Nghị định 81, trường còn lên các kế hoạch hỗ trợ thêm cho những sinh viên khó khăn, đảm bảo các em được tiếp cận nền giáo dục bình đẳng.

Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công Thương TPHCM - cho biết, thời điểm này trường đã hoàn tất thu học phí kỳ 1. Mức thu học phí đang thấp hơn mức trần tối đa được quy định trong Nghị định 97.

Học phí năm học 2023-2024 tại trường trung bình trên 23,7 triệu đồng/năm, tương đương 785.000 đồng/tín chỉ. Mức thu này thấp hơn so với mức trần Nghị định 97 cho phép thu hơn 10 triệu đồng.

"Có 2 lý do nhà trường giữ mức học phí, không tăng. Thứ nhất, nền kinh tế nói chung đang gặp khó khăn, do đó nhà trường không muốn tạo thêm gánh nặng cho gia đình các em sinh viên. Thứ 2, trước đó nhà trường đã có cam kết với các sinh viên đang theo học về việc không tăng học phí trong cả khóa học, vì vậy trường sẽ giữ lời hứa với các em sinh viên" - PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn nói.

Thông tin thêm về mức thu học phí trong năm học tới, lãnh đạo Trường Đại học Công Thương TPHCM cho biết thêm, học phí năm học 2024-2025 dự kiến sẽ có điều chỉnh theo hướng tăng nhưng mức tăng sẽ không quá cao, vẫn ở mức thấp hơn mức trần quy định tại Nghị định 97 cho phép, khoảng 29 triệu đồng/năm, thấp hơn mức trần khoảng 6 triệu đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn