MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phụ huynh, học sinh tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh được tổ chức tại Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: Chân Phúc

Chọn ngành nghề - khi phụ huynh và học sinh không cùng quan điểm

Chân Phúc LDO | 11/03/2024 10:00

Mùa tuyển sinh 2024 đến gần cũng là thời điểm nhiều gia đình phải “đau đầu” khi chọn ngành chọn nghề cho con. Không ít gia đình rơi vào cảnh mâu thuẫn khi ba mẹ muốn định hướng nghề nghiệp cho con nhưng con lại muốn theo đuổi đam mê.

Cha mẹ chọn ngành con không thích

Chị Nguyễn Thị Lai (44 tuổi, quận Bình Tân, TPHCM) cho biết, chị và con chưa có tiếng nói chung trong việc chọn ngành học. Con trai lớn của chị Lai đang học lớp 12.

“Chúng tôi đã khổ, một phần vì trước đây gia đình khó khăn, không có điều kiện ăn học nên bây giờ muốn con được học hành đàng hoàng, sau này có việc ổn định nhưng cháu lại muốn học nghề vì cho rằng học nghề sẽ sớm tốt nghiệp, chi phí học thấp. Cả tuần vừa rồi mỗi bữa cơm tối gia đình lại đưa chuyện này ra nói nhưng vẫn chưa thống nhất được quan điểm”, chị Lai tâm sự.

Tương tự, anh Văn Hảo (Quận 11, TPHCM) chia sẻ, giữa anh và con đang mâu thuẫn vì chọn ngành học ở đại học. Anh Hảo cho biết, vợ chồng anh đều làm ở văn phòng luật sư, do đó muốn con gái học ngành luật để sau này thuận lợi nhưng con gái anh lại chọn học ngành Ngôn ngữ Anh.

“Con gái nói không thích ngành luật nên không muốn học nhưng tôi nghĩ cháu còn ít tuổi, suy nghĩ chưa chín chắn. Thậm chí con thích ngành nghề nào đó có khi xuất phát từ việc sau khi xem một bộ phim, hay nghe bạn bè chọn học mà không suy xét kỹ lưỡng”, anh Hảo nói.

Phụ huynh không nên áp đặt con

TS. Phạm Tấn Hạ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) - cho biết, trong nhiều năm làm công tác tư vấn tuyển sinh, ông nghe rất nhiều chia sẻ, băn khoăn của phụ huynh, học sinh trong việc chọn ngành, nghề.

Từ đó, TS. Phạm Tấn Hạ cho rằng, trong quá trình lựa chọn ngành nghề, phụ huynh nên lắng nghe các con để định hướng chứ không nên áp đặt.

Theo TS Hạ, một số phụ huynh thương con, do đó luôn chọn ngành giúp con để mong sau này có việc làm tốt, thu nhập cao. Trong khi con lại muốn chọn ngành khác, cơ hội việc làm không nhiều... nên phụ huynh không chấp nhận.

“Khi các em có hứng thú thì các em mới thành công, nếu các em không có hứng thú thì rất khó để thành công, dù phụ huynh có ép thì các em cũng không học được. Chúng tôi từng chứng kiến rất nhiều em vào giảng đường đại học phải dừng lại sau thời gian học vì không đúng những gì các em nghĩ và không đúng đam mê. Với thế hệ gen Z bây giờ, nếu các em không thích thì các em sẽ không làm, sẽ bỏ. Do đó, phụ huynh nên ngồi lại với các con, nghe các con chia sẻ, từ đó tìm hướng đi tốt nhất”, ông Hạ nói.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn khuyên rằng phụ huynh đừng quá lo lắng trong chuyện quyết định chọn ngành của con. Nếu các em có đam mê, học giỏi sẽ có việc làm tốt, cơ hội thăng tiến cao.

“Nếu các con đã tự định hướng được ngành nghề của mình thì phụ huynh nên đồng hành cùng con mình”, TS. Phạm Tấn Hạ nhấn mạnh.

GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Phó Giám đốc Đại học Kinh tế TPHCM đưa lời khuyên, học sinh nên lựa chọn ngành học phù hợp với tố chất của bản thân. Ông cho rằng, nếu chọn học ngành thời thượng mà ai cũng học nhưng chúng ta không phù hợp với nó thì cũng không thể khai thác hết tiềm năng của bản thân để tạo ra sự phát triển.

“Tôi cho rằng các bạn nên lựa chọn những ngành nghề có tính cộng hưởng, có tính kết hợp nhiều ứng dụng hiện nay”, GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo khuyên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn